Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với những khó khăn mới trong hai tháng từ ngày bầu cử 3/11 đến 1/2021. Đây là khoảng thời gian thường được các tổng thống đắc cử dùng để lập kế hoạch cho sự khởi đầu chính quyền của họ, nhưng một số lĩnh vực kinh tế lớn lại đang chịu nhiều áp lực bởi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 và mùa đông đang đến gần. Những yếu tố này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh doanh vốn đã chậm lại trong các ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn do ảnh hưởng của dịch bệnh đồng thời làm suy yếu thêm ngành dầu mỏ đang trong tình cảnh giá dầu giảm.
Hàng triệu người Mỹ cũng có nguy cơ bị ngắt điện nước với các hóa đơn đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán nổi, trong khi các biện pháp bảo vệ người thuê nhà, sinh viên vay nợ và người Mỹ thất nghiệp sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Nước Mỹ đang phải chịu áp lực về kinh tế (Nguồn: CNN)
Những áp lực kinh tế xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán lưỡng đảng về các gói kích thích tại quốc hội bị phá vỡ, cùng với đó cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng chuyển bước ngoặt gay gắt. Tổng thống Trump và bà Pelosi đều cho biết họ sẽ theo đuổi một thỏa thuận cứu trợ kinh tế trong phiên họp của Quốc hội, nhưng có vẻ khó mà đạt được thỏa hiệp.
Xung đột chính trị của Washington đã leo thang trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng và sự chao đảo của nền kinh tế toàn cầu. Phố Wall đã quay cuồng vào tuần trước với chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và S&P 500 chứng kiến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.
Một cửa hàng ở Mỹ thông báo tạm đóng cửa vô thời hạn hồi tháng 3/2020 (Nguồn: AP)
Theo các cuộc khảo sát trong ngành, với thời tiết lạnh giá dự báo sẽ hạn chế việc ăn uống ngoài trời, 40% tổng số chủ nhà hàng trên toàn quốc cho biết họ dự kiến sẽ ngừng kinh doanh vào tháng 3 mà không có thêm sự hỗ trợ của chính phủ.
Theo Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải, du lịch vẫn chưa khôi phục được thậm chí một nửa hoạt động kinh doanh bị mất. Gần 4 triệu việc làm trong ngành du lịch đã bị mất trong đại dịch và 1 triệu nữa có thể biến mất vào cuối năm nếu không có sự can thiệp của liên bang.
Các hãng hàng không lớn đã công bố hàng chục nghìn máy bay sẽ phải rơi vào cảnh "đắp chiếu" vào cuối năm nay sau khi các chương trình viện trợ liên bang của họ hết hạn vào tháng 9.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày càng xa cách trong những tuần gần đây, với một số nghị sĩ đảng Cộng hòa nêu quan ngại về mức chi tiêu của chính phủ còn đảng Dân chủ yêu cầu hành động nhiều hơn.
Trợ cấp thất nghiệp liên bang khẩn cấp hàng tuần đã bị cắt trong nhiều tháng. Vài triệu người sẽ bắt đầu hết trợ cấp thất nghiệp cơ bản từ giữa tháng 12. Chương trình thất nghiệp liên bang riêng biệt dành cho khoảng 10 triệu lao động hợp đồng và những người khác không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp truyền thống sẽ hết hạn vào 31/12.
Tuần sau cuộc bầu cử, Tòa án tối cao sẽ thông qua Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng, đạo luật này có thể khiến hàng chục triệu người mất bảo hiểm y tế.
Giữa tình hình này, các nhà lập pháp cũng phải đạt được thỏa thuận trước 11/12 để ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa.
Sự gia tăng các ca mắc COVID-19 đã khiến các thành phố và bang trên khắp nước Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Từ ngày bầu cử 3/11/2020 đến ngày tổng thống mới nhậm chức 20/1/2021 còn gần 3 tháng nữa, khoảng thời gian mà các chuyên gia y tế công cộng và nhà kinh tế đều lo sợ virus SARS-CoV-2 sẽ tấn công nước Mỹ dữ dội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!