Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị. (Ảnh:AFP-TTXVN)
38 lãnh đạo các quốc gia đối tác cũng được mời tham gia các cuộc họp song song với Hội nghị Thượng đỉnh.
Tại Hội nghị, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẵn sàng hỗ trợ Iraq, nếu chính phủ nước này yêu cầu, để đẩy lui lực lượng Hồi giáo cực đoan đang lớn mạnh ở miền Bắc nước này.
Tổng thống Mỹ đã thuyết phục các đồng minh về sự cần thiết phải tạo lập một liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo tàn bạo này.
Thủ tướng Anh cũng sẵn lòng đưa không quân hoàng gia Anh phối hợp với quân đội Mỹ ném bom các vị trí xung yếu của phiến quân Hồi giáo trên lãnh thổ Iraq.
Ông David Cameron, Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng ta gặp nhau vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử liên minh. Thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe doạ và rõ ràng là NATO có vai trò quan trọng đối với tương lai của chúng ta như đã từng như vậy trước đây”.
NATO quyết định sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng này, với sự tham gia của quân đội 12 nước, trong đó có Mỹ.
NATO cũng đã công bố dành 12 triệu Euro trợ giúp Ukraine cải thiện năng lực quốc phòng, trong các lĩnh vực hậu cần, chỉ huy kiểm soát tình huống và tăng cường an ninh mạng máy tính quốc phòng nhưng NATO sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký NATO phát biểu: “NATO là một liên minh quân sự, và do vậy không thể cung cấp khí tài, đơn giản là vì chúng tôi không sở hữu chúng. Khí tài thuộc sở hữu của các quốc gia thành viên, do đó quyền quyết định thuộc về mỗi quốc gia, và chúng tôi sẽ không tìm cách tác động lên các quyết định đó”.
Bên lề hội nghị, Uỷ ban NATO - Ukraine cũng đã họp, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine. Trước đó, ông Petro Porochenko đã gặp riêng lãnh đạo 5 quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Italy.
Nhiều khả năng, trong buổi chiều nay (5/9), các bên tham chiến sẽ ký được thoả thuận ngưng bắn. Đó là lời Tổng thống Ukraine ngay khi kết thúc cuộc họp của Uỷ ban NATO – Ukraine.