Đầu tháng 2/2020, nhiệt độ ở Nam Cực đã đạt tới mức kỷ lục 18,3 độ C. Điều này dẫn đến tình trạng băng tan chảy rất nhiều. Đặc biệt, mới đây, NASA đã công bố một số hình ảnh mới nhất về tình trạng băng tan do nắng nóng. Đài quan sát Trái đất của NASA đã đưa ra hai hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Landsat 8 cho thấy sự khác biệt ở đỉnh băng thuộc đảo Eagle Island trong khoảng thời gian từ 4/2 đến 13/2.
So sánh giữa mùng 4/2 và ngày 13/2, có thể thấy lượng băng tan chảy sau đợt nóng kỷ lục vừa rồi tại Nam Cực là rất lớn.
Ảnh chụp trước và sau cho thấy băng và tuyết giảm mạnh dọc theo mũi phía bắc của bán đảo Nam Cực. Hình chụp ngày 13/2 cho thấy lượng băng tan đã tạo thành những vũng nước lớn màu xanh ngay ở trung tâm đảo.
Đảo Eagle chỉ cách cơ sở nghiên cứu Esperanza của Argentina hơn 40km, được ghi nhận có nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày 6/2. NASA cũng ước tính rằng phải tới 20% lượng băng tuyết rơi xuống hòn đảo này trong năm qua đã tan chảy chỉ trong đợt nóng vừa rồi.
Mauri Pelto, một nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Nichols ở Massachusetts, cho biết: "Tôi chưa từng thấy các ao băng lại tan chảy tốc độ nhanh như này ở Nam cực. Điều đó có thể thường thấy ở Greenland hay Alaska, nhưng Nam cực thì không".
Theo ông Pelto, việc băng tan nhanh chóng được gây ra bởi nhiệt độ duy trì đóng băng ở mức cao hơn trung bình, đây là một hiện tượng chưa từng thấy ở Nam Cực. Không những thế, gần đây các nhà khoa học còn tìm ra một dòng nước ấm đầu tiên nằm dưới dòng sông băng vĩnh cửu của Nam cực. Sự sụp đổ của dòng sông băng này có thể khiến nước biển ở Florida, Mỹ hoặc Vương quốc Anh sẽ tăng lên gần 1m.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!