Năm 2021 ghi nhận mùa hè nóng nhất tại châu Âu

Quỳnh Chi (Theo France24)-Thứ hai, ngày 25/04/2022 07:28 GMT+7

Hè năm 2021 là mùa hè nóng kỷ lục ở châu Âu, với nhiệt độ cao hơn 1,8 độ F so với mức trung bình trong 3 thập kỷ trước đó. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2021, đồng thời bị tàn phá bởi lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng.

Theo một báo cáo do Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu công bố hôm 22/4, thực trạng trên cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gia tăng mạnh.

Báo cáo trên được đưa ra chưa đầy ba tuần sau khi công bố báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cảnh báo rằng, nhiệt độ Trái đất có thể tăng tới ngưỡng 1,5ºC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng hai thập kỷ tới.

Châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục vào năm 2021, với nền nhiệt cao hơn 1°C so với mức trung bình từ các năm 1991 - 2020, các nhà khoa học EU báo cáo hôm 22/4.

Mặc dù năm 2021 không phải là năm nóng nhất ở châu Âu và thế giới, nhưng "mùa hè ở năm 2021 ở lục địa già được đánh dấu bởi nhiệt độ cao kỷ lục, những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài và lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng", Cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus châu Âu cho biết trong báo cáo hàng năm được công bố vào Ngày Trái đất.

Nam Âu bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đợt nắng nóng mùa hè với "nhiều kỷ lục về nhiệt độ", theo báo cáo. Ở miền Bắc Tây Ban Nha, nhiệt độ lên tới 47°C, một "kỷ lục quốc gia". Và ở Italy, mức nhiệt lên tới 48,8°C tại Sicily, một "kỷ lục ở châu Âu". Các nhà khoa học cho biết thêm: "Ở một số vùng của Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đợt nắng nóng kéo dài từ hai đến ba tuần".

Năm 2021 ghi nhận mùa hè nóng nhất tại châu Âu - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa nỗ lực khống chế cháy rừng tại Avila, Tây Ban Nha, ngày 16/8/2021. (Ảnh: CNN)

Ở ba quốc gia này, nhiệt độ cao dẫn đến hạn hán. Khi thảm thực vật trở nên dễ cháy hơn trong không khí nóng hơn, cháy rừng bùng phát gây ra những hậu quả tàn khốc. Trong tháng 7 và tháng 8/2021, các đám cháy rừng đã phá hủy tổng cộng hơn 800.000 ha ở khu vực Địa Trung Hải, theo Copernicus.

Tuy nhiên, mùa xuân năm 2021 lạnh hơn nhiều so với bình thường. Theo Copernicus, mùa xuân 2021 là "một trong màu xuân lạnh nhất trong 10 năm qua", với nhiệt độ thấp hơn trung bình tới 2°C.

Biển Baltic ấm bất thường dường như là nguyên nhân gây ra lũ lụt hoành hành vào tháng 7/2021 tại Đức và Bỉ.

Đồng thời, trên quy mô toàn cầu, "nồng độ khí carbon dioxide (CO2) và methane (CH4) đã tiếp tục tăng vào năm 2021, với sự gia tăng đặc biệt lớn nồng độ methane".

Chính sự gia tăng khí nhà kính, bao gồm CO2 và methane, trong bầu khí quyển đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các khí nhà kính này hấp thụ nhiều tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hơn mức cần thiết, khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên.

Hiện tượng này không chỉ được cảm nhận trong mùa hè ở châu Âu, mà trong suốt cả năm. Theo báo cáo: "Trên toàn cầu, năm 2021 là năm nóng nhất thứ 6 hoặc thứ 7 kể từ năm 1850", "7 năm qua là năm nóng nhất được ghi nhận".

Lục địa châu Âu cũng đã nóng lên khoảng 2°C kể từ thời tiền công nghiệp và toàn cầu tăng 1,1°C đến 1,2°C, theo Copernicus. Trong khi đó, IPCC đang kêu gọi hành động khẩn cấp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 1,5°C, ngưỡng không thể vượt qua để Trái đất vẫn có thể sinh sống được.

Nắng nóng kỷ lục trong mùa xuân tại Mexico Nắng nóng kỷ lục trong mùa xuân tại Mexico Colombia chứng kiến nắng nóng kỷ lục, cháy rừng Amazon trong tháng 1/2022 Colombia chứng kiến nắng nóng kỷ lục, cháy rừng Amazon trong tháng 1/2022 9 năm liên tục 'nóng kỷ lục' của khí hậu toàn cầu 9 năm liên tục "nóng kỷ lục" của khí hậu toàn cầu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước