Mỹ và Ukraine đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng về một thỏa thuận khoáng sản, trong đó Washington tìm cách tiếp cận các tài nguyên quan trọng của Kiev. Đây được xem là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm thu hồi khoản viện trợ khổng lồ đã cung cấp cho Ukraine, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Ukraine, bà Olha Stefanishyna, xác nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra theo hướng tích cực và các điều khoản chính của thỏa thuận gần như đã được hoàn thiện. Theo kế hoạch, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể đến Washington trong tuần này hoặc tuần tới để ký kết thỏa thuận.
Dự thảo cuối cùng của thỏa thuận bao gồm một khuôn khổ tài chính cho quỹ tái thiết Ukraine. Chính quyền Mỹ cũng đã điều chỉnh lại các điều khoản sau khi đề xuất ban đầu của ông Donald Trump yêu cầu Ukraine nhượng lại lợi nhuận trị giá 500 tỷ USD từ khoáng sản đất hiếm để bù đắp viện trợ quân sự 350 tỷ USD, bị phía Kiev phản đối.
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Zelensky cho rằng con số thực tế mà Washington viện trợ chỉ khoảng 90 tỷ USD và đề xuất hoàn trả gấp đôi số tiền viện trợ theo thỏa thuận không công bằng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Ukraine có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký kết thỏa thuận, với điều kiện cần có các đảm bảo an ninh cụ thể từ phía Mỹ.
Ukraine - "mỏ khoáng sản" hấp dẫn thế giới
Ukraine sở hữu một trong những trữ lượng khoáng sản lớn nhất châu Âu, ước tính trị giá khoảng 14,8 nghìn tỷ USD. Quốc gia này có 22 trong số 34 loại khoáng sản quan trọng theo danh sách của Liên minh châu Âu, bao gồm titanium, lithium, than chì, nickel, manganese, uranium và các kim loại đất hiếm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP)
Lithium đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất pin xe điện, trong khi đất hiếm là thành phần quan trọng trong công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao. Trước khi xung đột với Nga xảy ra, Ukraine cung cấp khoảng 7% sản lượng titan toàn cầu, đồng thời tuyên bố sở hữu 500.000 tấn trữ lượng lithium và 1/5 lượng than chì của thế giới.
Tuy nhiên, khoảng 40% mỏ khoáng sản quan trọng của Ukraine hiện nằm trong các khu vực do Nga kiểm soát, làm gia tăng sức ép đối với Kiev trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Mỹ muốn giảm phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc
Việc Mỹ quan tâm đến nguồn khoáng sản của Ukraine không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế mà còn liên quan đến an ninh chiến lược. Trung Quốc hiện chiếm từ 60 - 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và gần 90% công suất chế biến, tạo ra sự phụ thuộc lớn của Mỹ vào nguồn cung từ Bắc Kinh.
Washington đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư vào ngành khai thác tại Australia và Canada, đồng thời xem xét các lựa chọn khác như mua lại đảo Greenland (do Đan Mạch quản lý). Với Ukraine, Mỹ không chỉ muốn khai thác khoáng sản mà còn xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị ngày càng căng thẳng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!