Chính sách bảo hộ, con đường thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ không thể không tính tới một đối tác quan trọng hàng đầu là Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nước nhập khẩu lớn nhất và nước xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2, nước nhập khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc. Khát vọng làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại sẽ đối đầu thế nào với một Trung Hoa đang đặt mục tiêu vượt qua đầu tàu kinh tế Mỹ.
Tuần qua, đã diễn ra cuộc đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên giữa hai bên dưới thời Tổng thống Donald Trump được tổ chức tại Washington. Cơ chế đối thoại này được lập ra hồi tháng 4 năm nay, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giải quyết những bất đồng lớn trong quan hệ hai nước. Còn nhớ, lúc đó, hai nhà lãnh đạo đã lập ra thời gian biểu là 100 ngày để giải quyết các bất đồng thương mại Mỹ - Trung.
Cuộc đối thoại kinh tế toàn diện lần đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể. Ảnh: Reuters
Không có một cuộc họp báo công bố kết quả, cũng như tuyên bố chung nào được đưa ra. Cuộc đối thoại kinh tế toàn diện lần đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc không đạt được kết quả cụ thể.
Sự bất đồng có thể cảm nhận được ngay trong những tuyên bố khai mạc cuộc đối thoại, khi Mỹ chỉ trích chênh lệch thương mại đến 347 tỷ USD của nước này đối với Trung Quốc, cáo buộc rằng đó không phải là kết quả của các động lực do thị trường tạo ra và cho biết mối quan hệ thương mại này cần thay đổi.
Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên với hành trang là kết quả 100 ngày thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về giải quyết một số vấn đề tồn tại trong thương mại song phương. Ngay trước thềm cuộc đối thoại, đã có một số tín hiệu lạc quan khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu trở lại thịt bò Mỹ sau 14 năm, còn Mỹ mở cửa cho thịt gà đã qua chế biến từ Trung Quốc. Thế nhưng, sự bế tắc trong đối thoại lần này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề trong mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.
TS Trần Việt Thái, Viện Phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định, kết quả của Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung lần này là khá khiêm tốn: "Kết quả hạn chế như vậy đã được dự báo trước bởi bối cảnh diễn ra Đối thoại thực sự không thuận để đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Tuy có một số động thái nhỏ, nhưng về tổng thể thì không thuận và thâm hụt thương mại là một vấn đề lớn không thể giải quyết ngay. Do đó, tôi cho rằng cần phải có thời gian mới giải quyết được sự bế tắc trong đối thoại này".
TS Trần Việt Thái cho biết thêm: "Hiện Tổng thống Donald Trump đang áp dụng chiến lược gồm 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là, tiếp tục gia tăng sức ép toàn diện và yêu cầu Trung Quốc có những biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại. Thứ hai là, Mỹ cũng tránh có những biện pháp quá cực đoan có thể dẫn tới đổ vỡ toàn cục. Mỹ có thể áp dụng biện pháp trong một vài ngành cụ thể, ví dụ như ngành thép, thay vì áp dụng biện pháp tổng thể bởi sự phụ thuộc lẫn nhau là rất lớn. Chúng tôi dự báo, quan hệ này sẽ còn phức tạp, sẽ gia tăng sức ép nhưng tránh đổ vỡ toàn diện".
Trong năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 347 tỷ USD, tương đương gần một nửa mức thâm hụt của nước này trên toàn cầu. Theo quan điểm của Mỹ, mặc dù với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại của WTO dẫn đến bất lợi thương mại cho Mỹ. Trong khi Mỹ áp thuế nhập khẩu là 2-3% thì thuế nhập khẩu của Trung Quốc là 3-9%. Điều này dẫn tới việc hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng hơn 200% trong 15 năm qua.
Cáo buộc thao túng tiền tệ
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã thực thi những chính sách nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng cho doanh nghiệp nước này với doanh nghiệp Mỹ, trong đó co chính sách duy trì đồng nhân dân tệ giá rẻ. Mỹ cho rằng chính quyền Trung Quốc đã định giá quá thấp đồng nhân dân tệ khoảng 20-45% so với giá trị thực để hàng hóa Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và đe doạ sẽ đánh thuế đến 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vấn đề cạnh tranh thương mại
Phía Mỹ từng đưa ra một danh sách các than phiền của giới kinh doanh Mỹ đối với Trung Quốc: như khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc hạn chế, đặc biệt là đối với các hãng tài chính Mỹ, nạn ăn cắp bản quyền thương mại, tình trạng sử dụng phần mềm lậu tràn lan tại Trung Quốc, thủ tục hành chính và luật pháp rắc rối... Ước tính, các nhà đầu tư Mỹ đang phải đối mặt với các rào cản hoặc những hạn chế về quyền sở hữu trong khoảng 90 lĩnh vực tại Trung Quốc. Phía Mỹ cũng bày tỏ quan ngại các công ty Trung Quốc, với sự tài trợ của nhà nước, đang triển khai hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài trong những lĩnh vực kinh tế mà Bắc Kinh xác định là then chốt trong chiến lược hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025"
Về phía Trung Quốc, nước này muốn Mỹ giảm kiểm soát xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Trung Quốc, công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và không chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại. Bắc Kinh than phiền các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Mỹ lại luôn lo ngại nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các quyết định bất lợi từ Quốc hội Mỹ hoặc bị từ chối vì lý do đảm bảo an ninh.
Nói về quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng có thể tác động đến các nước trong khu vực, đặc biệt là tại châu Á, TS Trần Việt Thái cho hay: "Nếu quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng sẽ tác động rất mạnh tới các nước trong khu vực. Ví dụ, hàng Trung Quốc nếu không thể xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ tràn sang các nước láng giềng làm ảnh hưởng đến thị trường các nước trong khu vực. Nếu Trung Quốc ít kỳ vọng vào thị trường Mỹ, họ sẽ đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch để xúc tiến thương mại với các nước trong khu vực, sáng kiến Vành đai con đường chẳng hạn, dẫn tới sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực tăng lên. Nhưng có thể tác động hai chiều. Một mặt, người dân có thể được hưởng lợi hơn từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc do có nhiều lựa chọn hơn nhưng mặt khác, ngành sản xuất và một số lĩnh vực khác đứng trước áp lực cạnh tranh lớn hơn".
Từng là một doanh nhân và tự nhận là nhà đàm phán hợp đồng tài ba, Tổng thống Donald Trump hiểu rõ về những bất lợi nếu nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là con đường có đích đến chỉ là sự thiệt hại cho cả hai bên. Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ không xảy ra, nhưng chuyện gây sức ép bằng các biện pháp ngắn hạn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sắp tới, như đã cam kết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra những chính sách cải cách thuế, theo đó, tăng các biểu thuế đối với các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài - điều sẽ gây phản ứng từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cân bằng thương mại giữa hai bên bằng cách tăng xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc sẽ có ích cho nước Mỹ, thay vì hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Rõ ràng, cả Mỹ và Trung Quốc đều gắn với nhau do sự phụ thuộc cùng có lợi. Cuối cùng, một chiến lược tốt cần thực hiện là thúc đẩy sự phụ thuộc cùng có lợi này đi lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!