Những sinh viên đã trả khoản vay trong 10 năm, hay đã vay từ 12.000 USD trở xuống đều sẽ được xóa khoản tiền nợ còn lại. Theo tính toán của Nhà Trắng, biện pháp này sẽ xóa nợ 1,2 tỷ USD, mang lại lợi ích cho 153.000 người Mỹ.
Chương trình xóa nợ sinh viên được Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 8/2022 theo cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ xóa nợ tới 10.000 USD đối với khoản nợ của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm. Đối với những sinh viên thụ hưởng Chương trình Trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp) sẽ được xóa nợ 20.000 USD.
Theo thống kê, trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Biden đã xóa nợ tổng cộng 138 tỷ USD của 3,9 triệu trong tổng số 45 triệu người Mỹ đã vay 1.600 tỷ USD để học đại học.
Chính phủ Mỹ dự kiến xóa nợ 1,2 tỷ USD cho sinh viên (Ảnh: Getty Images)
Học phí tại các trường đại học ở Mỹ rơi vào khoảng từ 10.000 - 70.000 USD mỗi năm và sinh viên sau khi tốt nghiệp thường gánh một khoản nợ lớn. Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ sau khi tốt nghiệp là 25.000 USD.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Giáo dục Miguel Cardona cho biết: "Trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, những người đi vay đủ điều kiện hầu như không thể tiếp cận được khoản giảm nợ sinh viên một cách hợp pháp. Mức giảm nợ này là tối đa và chúng tôi không thể giảm hơn nữa".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định xóa nợ là không công bằng, đặc biệt đối với những người chăm chỉ kiếm tiền để trả nợ. "Điều này rất không công bằng đối với những người đã vay, làm việc chăm chỉ và trả hết nợ. Nó cũng không công bằng với những người chọn con đường khác thay vì đi vay", Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis - cho hay. Đảng Cộng hòa cũng phản đối và cho rằng kế hoạch này gây lãng phí ngân sách và đáng ra có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!