Dù có một số ngoại lệ tạm thời, đây vẫn được coi là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay của Washington đối với Iran.
Hồi tháng 8, Mỹ đã áp đặt một vòng trừng phạt nhắm tới ngành công nghiệp ô tô và hàng không của Iran. Còn với lệnh trừng phạt tái áp đặt hôm nay, lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, ngân hàng và công nghiệp đóng tàu của Iran sẽ chịu ảnh hưởng.
Hơn 700 cá nhân và thực thể đã bị liệt vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Những ngân hàng, mạng lưới kết nối tài chính cũng bị đe dọa sẽ nhận trừng phạt, nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể có tên trong danh sách đen do Mỹ liệt kê.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra ngoại lệ đối với 8 nước, cho phép họ tiếp tục được nhập khẩu dầu của Iran. Phía Mỹ không nêu tên cụ thể, nhưng theo các nguồn tin, đó là các đồng minh của Mỹ gồm: Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục tiêu của vòng trừng phạt này là đưa ngành công nghiệp xuất khẩu dầu của Iran về số 0. Hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rút khỏi Iran do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các lệnh trừng phạt này nhằm tìm cách "chồng thêm" áp lực tài chính đối với Tehran, từ đó thúc đẩy một giải pháp toàn diện và lâu dài đối với các mối đe dọa từ Iran. Ở đây mục đích nhắm tới là các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran, các lĩnh vực không được đề cập trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Mỹ đã ký cùng các cường quốc với Iran năm 2015.
Chỉ cách đây 3 năm, khi Iran cùng nhóm P5+1 ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hy vọng đã "bùng nổ" khắp Iran. Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng vào một thời kỳ mở cửa hơn, làm ăn thuận tiện hơn và nhiều cơ hội hợp tác với bạn bè quốc tế hơn. Thế nhưng, khi các biện pháp trừng phạt mạnh nhất của Mỹ với Iran chính thức có hiệu lực, tâm lý lo lắng đã quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!