Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mike Pompeo chính thức công bố việc Mỹ đình chỉ hiệu lực hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Động thái này chính thức kích hoạt quy trình hủy bỏ một trong những cơ chế kiểm soát vũ khí nòng cốt có từ thời chiến tranh lạnh.
"Mỹ sẽ đình chỉ hiệu lực hiệp ước INF kể từ ngày 2/2. Trong vòng 6 tháng tới, nếu Nga không nghiêm túc tuân thủ hiệp ước, bằng việc phá hủy các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị vi phạm, hiệp ước sẽ bị hủy bỏ" - Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh.
Hiệp ước INF do Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, được coi là cơ chế kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân quan trọng, góp phần tiến tới chấm dứt chiến tranh lạnh. Hiệp ước INF cấm các bên tham gia gồm Mỹ và Nga phát triển các tên lửa mặt đất trong tầm hoạt động từ 500 - 5.500km.
Việc Mỹ kích hoạt quy trình hủy bỏ hiệp ước INF đã đẩy cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung này đến nguy cơ đổ vỡ, không loại trừ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mà tâm điểm là châu Âu. Không những thế, nó còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các cơ chế kiểm soát vũ khí khác như hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!