OPEC vẫn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát giá dầu khi có nhiều lợi thế chi phối
Tuần qua, giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua và tiếp tục có dấu hiệu tăng nóng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải tính đến nhiều phương án để hạ nhiệt giá dầu.
Hiện Chính phủ Mỹ đang đàm phán với các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới để tìm cách hạ nhiệt thị trường năng lượng. Một số biện pháp đang được đưa ra xem xét trong thời điểm này là các quốc gia sản xuất dầu cần tăng sản lượng, còn đối với các nước tiêu thụ thì cần tính đến phương án tiếp tục mở kho dự trữ dầu chiến lược.
Dự trữ dầu thô của các nước cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm
Theo đánh giá của các chuyên gia, kế hoạch của Chính phủ Mỹ có thể gặp không ít khó khăn, do trên thực tế đa phần các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn đều còn ít dư địa để tăng sản lượng trong ngắn hạn. Số liệu của Bloomberg cho thấy, đến nay dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) vẫn giữ mục tiêu mỗi tháng tăng sản lượng khai thác thêm 400 nghìn thùng/ngày. Tuy nhiên, mức cung ứng thực tế ra thị trường trong tháng 1/2022 chỉ tăng khoảng 210 nghìn thùng/ngày. Số lượng các giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ cũng mới hoạt động lại khoảng 70% so với trước đại dịch.
Bên cạnh đó, dự trữ dầu thô của các nước cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, đến hết tháng 1 vừa qua, dự trữ dầu thô của 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ còn khoảng 2,7 tỷ thùng, thấp nhất trong vòng 7 năm.
Hiện nay, có nhiều dự báo về giá dầu trong năm 2022 đã được các tập đoàn tài chính lớn đưa ra, đa phần đều thiên về phương án giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Trong đó, Ngân hàng Bank of America dự báo, giá dầu sẽ chạm ngưỡng này ngay trong quý II tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!