Hơn 60 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Trong số nạn nhân có cả phụ nữ, trẻ em, nhà báo hay các nhân viên y tế. Những cuộc xung đột giữa người Palestine và binh lính Israel tại dải Gaza vốn không mới, nhưng lần này, những làn sóng bạo lực gắn liền với lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem lại đang báo hiệu những thực tế rủi ro mới.
Ngày 14/5 vừa qua đã trở thành ngày đẫm màu nhất tại dải Gaza kể từ cuộc chiến hồi năm 2014 (Ảnh: Getty)
Palestine và nhiều nước hồi giáo tại Trung Đông lên án Israel đã thực hiện một cuộc thảm sát tại dải Gaza. Trong khi Israel khẳng định rằng, không có một lực lượng quân đội nào có thể đối phó kiềm chế hơn với gần 50 nghìn người, bất chấp tất cả, xông vào biên giới của một quốc gia có chủ quyền. Nhưng dù lý do có là gì, thì như chính báo chí Israel cũng nhìn nhận, nó đang báo hiệu những viễn cảnh nguy hiểm.
Báo Haarezt của Israel nhấn mạnh bầu không khí nặng nề đang bao lấy Israel sau sự kiện vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ trục suất Đại sứ Israel. Anh yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp tình trạng giết hại dân thường tại giải Gaza. Bỉ, Luxembourg, Ireland gọi đại sứ Israel lên để phản đối. Trong khi Nam Phi thì triệu hồi đại sứ của mình về.
Trước sự kiện Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem, có những nguồn tin lan truyền tại Trung Đông cho rằng, Mỹ có thể sẽ gây những sức ép nhất định lên Israel, để nước này phải có những nhân nhượng cho giải pháp hòa bình với người Palestine. Đặc biệt sau khi Washington đã đáp ứng 2 điều mà thủ tướng Israel Netanyahu đã mong mỏi từ rất lâu, là xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và chuyển Đại sứ quán về Jerusalem.
Nhưng những gì mà Trung Đông đang chứng kiến, lại là sự "ngấp nghé" trước một giai đoạn mới của bất ổn. Theo tác giả Anchal Vohra từ Lebanon, với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, những cuộc đụng độ giữa Iran và Israel đã ngày càng gia tăng tại Syria. Nay khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem, mồi lửa sẽ còn có thể cháy lan sang cả Lebanon. Nhóm Hezbollah tại Lebanon mới đây đã tuyên bố sẽ trả thù Israel, đòi công lý những người dân đã phải đổ máu tại Gaza.
Lối thoát nào cho "chảo lửa" Gaza? (Ảnh: AP)
Bầu không khí căng thẳng khiến khu vực này lo ngại nó sẽ châm ngòi cho những cuộc chiến ủy nhiệm mới. Đã 70 năm kể từ ngày Israel tuyên bố thành lập nhà nước Do thái, cũng 70 năm kể từ thời điểm người Palestine gọi là thảm họa vì hơn 700 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, sống tị nạn. Thời báo Jordan đặt câu hỏi, ai mới là người chiến thắng khi không ai có thể sống trong hòa bình suốt 70 năm qua.
Bài báo cho rằng, đã đến lúc để 2 dân tộc này nhìn lại, tìm kiếm hòa bình thực sự cho mình. Ở đó phải là một nền hòa bình thực cho người dân, không phải là một nền hòa bình của các chính trị gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!