Ông Esper đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau các quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phia Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc cũng như loại Hàn Quốc ra khỏi Danh sách Trắng gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Để đáp trả động thái trên của Tokyo, Seoul tuyên bố đang cân nhắc tất cả biện pháp, trong đó có việc hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo - một phần quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời cho biết sẽ khuyến khích việc duy trì thỏa thuận này.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo kêu gọi Hàn Quốc duy trì một thỏa thuận song phương năm 1965 nhằm giải quyết việc bồi thường sau chiến tranh, cho rằng sự tin tưởng lẫn nhau đang bị đe dọa. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, Thủ tướng Abe cho rằng Hàn Quốc đã "đơn phương" phá vỡ thỏa thuận giải quyết vấn đề bồi thường cho những lao động thời chiến trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Phủ tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min nhấn mạnh Seoul sẽ nỗ lực tận dụng các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản như là một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng mang tính đổi mới. Theo ông, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để đối phó với các biện pháp của Nhật Bản. Chánh văn phòng Phủ tổng thống Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đang đi con đường "bế tắc", đồng thời coi hành động của Nhật Bản là biện pháp trả đũa kinh tế rõ ràng nhằm chống lại phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về việc bồi thường cho các lao động Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng ép trong thời chiến.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án tăng cường hạn chế người dân đi du lịch Nhật Bản - một trong những biện pháp để đối phó với động thái trả đũa kinh tế của Tokyo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-chul khẳng định an toàn của công dân Hàn Quốc là ưu tiên lớn nhất. Tổng liên đoàn lao động công chức nước này cũng đã tiến hành họp báo chỉ trích việc Chính phủ Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi Danh sách Trắng và sẽ tích cực tham gia làn sóng tẩy chay Nhật Bản đang lan rộng, với sự tham gia của 115 công đoàn trực thuộc trên cả nước, theo đó, sẽ không mua các mặt hàng sản xuất tại Nhật Bản như văn phòng phẩm; hủy toàn bộ các lịch trình du lịch, giao lưu, nghiên cứu tại Nhật Bản; hối thúc các cơ quan nhà nước lập quy định cấm mua hàng hóa Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!