Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế do COVID-19, WHO chưa khuyến nghị sử dụng vaccine đặc hiệu ngừa Omicron thay cho loại cũ

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 15/10/2022 06:46 GMT+7

Hơn 629,24 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 15/10, thế giới có trên 629,24 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 98,79 triệu ca mắc và hơn 1,09 triệu trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra thông báo gia hạn thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19, theo đó duy trì các biện pháp như trả lương cao cho các bệnh viện và mở rộng chương trình bảo hiểm y tế Medicaid cho người có thu nhập thấp, phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho rằng "đại dịch COVID-19 đã qua", nhưng các chuyên gia y tế Mỹ không tán thành quan điểm này của Tổng thống.

Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sự gián đoạn xã hội và giáo dục trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát của thanh thiếu niên tại nước này.

Nghiên cứu dựa trên câu trả lời của hơn 4.300 học sinh trên toàn nước Mỹ khi tham gia Khảo sát về hành vi và trải nghiệm vị thành niên năm 2021. Kết quả cho thấy, gần 75% học sinh phổ thông dưới 18 tuổi cho biết từng ít nhất một lần có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE) trong giai đoạn đại dịch. Trong số này, 53,2% từng 1 - 2 lần có trải nghiệm ACE, 12% có trải nghiệm này từ 3 - 4 lần hoặc nhiều hơn nữa.

ACE có liên quan vấn đề sức khỏe tâm thần kém và hành vi tự sát. Trải nghiệm này là những sự việc có khả năng gây tổn thương có thể ngăn chặn, thường xảy ra ở thời thơ ấu như bị bỏ rơi, trải qua hoặc chứng kiến bạo lực, hoặc có một thành viên trong gia đình tìm cách tự vẫn và mất do tự vẫn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các khía cạnh của môi trường có thể làm gia tăng cảm giác bất an và lạc lõng.

Nghiên cứu nhận thấy ACE phổ biến trong thanh thiếu niên Mỹ trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 và thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần, cũng như dẫn đến hành vi tự tử, kể cả ở những thanh thiếu niên từng chỉ 1 - 2 lần có trải nghiệm này.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng trong năm qua, tỷ lệ sức khỏe tâm thần kém ở thanh thiếu niên Mỹ từng hơn 4 lần có trải nghiệm ACE trong giai đoạn đại dịch cao gấp 4 lần và tỷ lệ các vụ tìm cách tự tử cao gấp 25 lần so với những người không có ACE.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,62 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.800 trường hợp thiệt mạng.

Pháp là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với trên 155.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,16 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 14/10, Pháp ghi nhận thêm 58.695 ca mắc COVID-19 mới.

Brazil có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 687.000 trường hợp trong tổng số trên 34,78 triệu người nhiễm.

Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế do COVID-19, WHO chưa khuyến nghị sử dụng vaccine đặc hiệu ngừa Omicron thay cho loại cũ - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trong khu vực châu Âu. (Ảnh: AP)

Một làn sóng COVID-19 mới có thể đã bắt đầu ở châu Âu khi số ca bệnh đang gia tăng trong khu vực. Lời cảnh báo trên được Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu đưa ra.

Hai cơ quan trên cho rằng mặc dù tình hình dịch bệnh hiện tại không giống như một năm trước, nhưng rõ ràng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Số ca mắc mới trong tuần qua đã cao hơn 8% so với tuần trước đó. Trong khi đó, hàng triệu người trên khắp châu Âu vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chính vì vậy, giới chức y tế khuyến cáo các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai và những người có các bệnh lý nền nên tiêm phòng cả bệnh cúm và COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin bày tỏ lạc quan rằng nước này sẽ có thể chấm dứt đại dịch COVID-19 nếu số ca bệnh không tăng đột biến từ nay đến tháng 2/2023. Phát biểu tại sự kiện "Thảo luận Y tế G20", Bộ trưởng Budi bày tỏ hy vọng, các quy trình y tế và chương trình tiêm chủng hiện tại sẽ được duy trì và đại dịch sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần tại Indonesia. Theo ông Sadikin, nếu số ca mắc mới tiếp tục giảm trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, Indonesia sẽ không ghi nhận đợt bùng phát nào trong suốt 12 tháng.

Indonesia công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19, tính đến ngày 14/10, quốc gia này đã ghi nhận trên 6,45 triêu ca mắc, trong đó có 158.281 tường hợp tử vong.

Nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngày 12/10, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Theo nhà chức trách, trước mối đe dọa của các biến thể của virus có khả năng lây truyền cao, trẻ em là một trong những mục tiêu bảo vệ chính của chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban cố vấn và chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19, giới chức y tế Hong Kong nhận thấy phiên bản vaccine của Pfizer-BioNTech dành cho trẻ sơ sinh đã được phê duyệt hiện nay mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Theo đó, liều tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi sẽ bằng 1/10 liều lượng của người lớn nhằm giảm tác dụng phụ.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 vẫn có các triệu chứng bệnh đến 18 tháng sau khi mắc. Kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu quy mô lớn do Đại học Glasgow tại Scotland tiến hành nhằm đánh giá sự ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe con người.

Nhóm nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu vào tháng 5/2021 đối với hơn 33.000 người được xác nhận mắc COVID-19. Kết quả cho thấy, 6% số bệnh nhân cảm thấy vẫn còn các triệu chứng bệnh. Gần 50% số bệnh nhân cho rằng họ chỉ phục hồi một phần sau 6 - 18 tháng.

Theo nghiên cứu, những nhóm có nguy cơ cao gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài bao gồm các bệnh nhân phải nhập viện, người cao tuổi, nữ giới, người có thu nhập thấp và những người có sẵn bệnh nền. Các triệu chứng dai dẳng thường gặp nhất bao gồm khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não và giảm trí nhớ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 dường như giúp ngăn các triệu chứng kéo dài.

Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế do COVID-19, WHO chưa khuyến nghị sử dụng vaccine đặc hiệu ngừa Omicron thay cho loại cũ - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 vẫn có các triệu chứng bệnh đến 18 tháng. (Ảnh: AP)

Vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech, được điều chỉnh cho chủng phụ BA.4, BA.5 của Omicron, tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh, dung nạp tốt trong thử nghiệm trên người.

Với kết quả được mô tả là phù hợp với dữ liệu tiền lâm sàng, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức đang theo dõi dữ liệu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người mà trước đó đã bị thiếu trong hồ sơ xin phê duyệt theo quy định.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 13/10, Pfizer-BioNTech cho biết, dữ liệu thử nghiệm đối với khoảng 80 bệnh nhân trưởng thành cho thấy, liều vaccine tăng cường gia tăng đáng kể mức độ kháng thể trung hòa chống lại các biến thể BA.4/BA.5 sau một tuần, nhưng không tiết lộ mức độ kháng thể được tạo ra trong phân tích sơ bộ của nghiên cứu.

Vaccine phiên bản cập nhật được thiết kế riêng cho Omicron do Pfizer và Moderna thực hiện đã được một số quốc gia "bật đèn xanh", bao gồm cả ở Mỹ cho người trưởng thành và gần đây là cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Các cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe của Liên minh châu Âu và Mỹ đã phê duyệt vaccine phiên bản nâng cấp vào tháng 9, mặc dù dữ liệu thử nghiệm trên người không có sẵn vào thời điểm đó.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị nên sử dụng các loại vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron thay cho các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu. Trong một tuyên bố, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO cho biết, các dữ liệu hiện tại chưa đủ thuyết phục để cơ quan này ra khuyến nghị ưu tiên sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 hai thành phần, tức thế hệ vaccine mới được bổ sung thành phần chống biến thể Omicron, thay cho các vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Trao đổi với báo giới, Thư ký điều hành SAGE Joachim Hombach giải thích, các loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới có khả năng trung hòa ở mức độ tương tự vaccine cũ đối với chủng virus gốc và cao hơn một chút đối với biến thể Omciron. Theo ông, đây là hiệu quả tương đối khiêm tốn có thể thấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều mà các nhà khoa học vẫn chưa thể làm là liên kết các dữ liệu trong phòng thí nghiệm này với bằng chứng về sự gia tăng khả năng bảo vệ về mặt lâm sàng vì dữ liệu như vậy vẫn chưa có sẵn.

Thái Lan tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 1 tuổi, làn sóng COVID-19 mới có thể đã bắt đầu ở châu Âu Thái Lan tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 1 tuổi, làn sóng COVID-19 mới có thể đã bắt đầu ở châu Âu Đài Loan (Trung Quốc) đón du khách trở lại sau khi chấm dứt kiểm dịch COVID-19 Đài Loan (Trung Quốc) đón du khách trở lại sau khi chấm dứt kiểm dịch COVID-19 Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch sau kỳ nghỉ lễ Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch sau kỳ nghỉ lễ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước