Mỹ - EU họp thượng đỉnh: Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 24/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một trong những sự kiện quốc tế nổi bật vừa diễn ra tuần qua là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Washington D.C, Mỹ.

Đây là lần đầu tiên sau hơn hai năm, các nhà lãnh đạo cấp cao của hai bên gặp nhau trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng, rạn nứt. Đây cũng là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần thứ hai dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU do Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đồng chủ trì. Mục tiêu quan trọng của hội nghị là hướng tới một mặt trận thống nhất sau nhiều ngày có những thông điệp trái chiều về cuộc xung đột Israel - Hamas.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu thống nhất được 2 vấn đề là căng thẳng Israel - Hamas và hỗ trợ cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Tại hội nghị thượng đỉnh trước, chúng ta đã cam kết tăng cường quan hệ đối tác EU - Mỹ. Trong hai năm qua, chúng ta đã thực hiện tốt điều đó. Chúng ta đã phối hợp tốt trong hỗ trợ Ukraine và Israel, giải quyết các thách thức kinh tế cũng như định hướng mối quan hệ với Trung Quốc".

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: "Hiện nay, thế giới phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Do đó, hơn lúc nào hết, thế giới cần 1 liên minh Mỹ - EU mạnh mẽ để đối phó với các thách thức đó".

Mỹ - EU họp thượng đỉnh: Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 1.

Tuyên bố chung gồm 34 điểm cũng khẳng định quan hệ đối tác EU - Mỹ mang lại lợi ích cho công dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương, đồng thời EU và Mỹ cam kết hơn nữa trong việc xây dựng sự thịnh vượng và tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, về vấn đề thương mại, đúng như dự đoán, hai bên đã không đạt được thỏa thuận nào để giải quyết các tranh chấp thương mại kéo dài. Washington cho biết, tạm thời sẽ tiếp tục đưa ra một số biện pháp giảm thuế đối với thép và nhôm của EU, đồng thời nhất trí duy trì đối thoại song phương.

Rào cản quan hệ Mỹ - EU

Qua hội nghị này, giới quan sát thấy nổi lên hai thách thức chính: thứ nhất là thách thức trong việc phối hợp giữa Mỹ với EU trong việc can dự và xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay: xung đột giữa Hamas và Israel, cam kết hỗ trợ Ukraine, thiết lập các cơ chế nhằm định hướng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, cũng như với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Nói như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, thế giới hiện đang đối mặt với thách thức to lớn và đang cần một liên minh Mỹ EU vững mạnh để giải quyết các thách thức này.

Thứ hai là thách thức trong quan hệ đôi bên. Mặc dù là đồng minh thân cận, lâu năm, và đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai bên, nhưng hai bên vẫn tồn tại những bất đồng, thậm chí cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Mỹ - EU họp thượng đỉnh: Củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 2.

Hai bên đã thành lập hội đồng thương mại và công nghệ, hội đồng này sẽ chi tiết hóa các cam kết của lãnh đạo hai bên, nhưng nhiệm vụ tương đối khó khăn. Đơn cử như việc Mỹ ưu đãi cho người tiêu dùng mua ô tô điện sản xuất ở Bắc Mỹ số tiền 7.500 USD. EU cho rằng như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà sản xuất ô tô EU. Bên cạnh đó là các hỗ trợ của Mỹ cho các nhà sản xuất Mỹ, khi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng theo luật cơ sở hạ tầng, luật giảm lạm phát của Mỹ. Hai bên tuyên bố sẽ tìm ra tiếng nói chung trong vài tuần nữa.

EU có những giải pháp nào để có thể cân bằng lợi ích?

Thượng đỉnh vừa rồi tại Mỹ đã không có kết quả như phía châu Âu mong muốn, là phía Mỹ tháo gỡ thuế đánh lên thép và nhôm châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, biện pháp có từ thời Tổng thống trước cũng chưa giải quyết được bất đồng từ Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, tăng tài trợ cho doanh nghiệp Mỹ dẫn tới thiệt thòi cho doanh nghiệp phía châu Âu.

Một trong những lý do là các sự kiện dồn dập từ Ukraine đến Trung Đông đã lấn át các vấn đề ít cấp bách hơn trong đó có kinh tế. Nhìn từ phía châu Âu thì nói chung thượng đỉnh được đánh giá là bổ ích và gắn kết, do đã thống nhất được quan điểm trong nhiều lĩnh vực, tuy là không có kết quả nào cụ thể trong lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, sự xuất hiện của những vấn đề, xu thế mới, cùng những vấn đề của nội bộ Mỹ và châu Âu, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở giai đoạn quan trọng. Dù không đạt được các thỏa thuận mang tính đột phá về các vấn đề vướng mắc, nhưng nhìn chung dư luận đều kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần này sẽ tạo động lực quan trọng không chỉ cho mối quan hệ song phương, mà còn cho việc giải quyết các thách thức đang nổi lên trên thế giới trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước