Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer phát biểu trước báo giới ở bên ngoài Nhà Trắng tại Washington ngày 6/3/2017. (Ảnh: Reuters)
So với phiên bản đầu tiên cách đây gần 6 tuần, sắc lệnh này đã có điều chỉnh đáng kể để có thể đưa vào thực tế, đồng thời tránh những tác động và phản ứng bất lợi.
Điểm khác đầu tiên trong sắc lệnh mới của chính quyền Donald Trump là Iraq không còn trong danh sách 7 quốc gia thuộc diện tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Sắc lệnh mới của chính quyền sẽ vẫn tạm cấm nhập cảnh trong thời hạn 90 ngày đối với công dân đến từ các quốc gia Iran, Lybia, Syria, Somalia, Sudan và Yemen, đồng thời tạm dừng tiếp nhận người tỵ nạn trong 120 ngày như sắc lệnh cũ. Nhưng khác là những người có thẻ xanh thường trú hợp pháp và thị thực còn hiệu lực sẽ vẫn được nhập cảnh bình thường. Hơn nữa, sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 16/3, tức là sẽ có 10 ngày thời gian đệm để các cơ quan công quyền cũng như tổ chức, cá nhân có thêm thời gian để chuẩn bị. Một bước đệm quan trọng nhằm giảm bớt những biến động xã hội không đáng có tại các cửa khẩu như lần trước. Chính quyền Trump cũng rút kinh nghiệm lần trước, khi chủ động rậm rạp thông tin cho Quốc hội và báo chí.
Cũng khác so với lần trước, thay vì trực tiếp công bố từ Nhà Trắng, sắc lệnh lần này đến với công chúng bằng một cuộc họp báo liên bộ gồm các bộ An ninh nội địa, Ngoại giao và Tư pháp. Một chi tiết cho thấy bộ máy chính quyền đã bắt đầu vận hành có hệ thống từ trên xuống.
Trở lại với phiên bản mới sau gần 6 tuần, sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh của chính quyền Trump đã có một số điều chỉnh đáng kể từ diện đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng cho đến hình thức ban hành. Hiệu quả đến đâu còn phải chờ sắc lệnh này được triển khai thực tế nhưng những điều chỉnh này bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực, ít nhất là trong nội bộ phe Cộng hoà tại Quốc hội Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!