Đây là thông tin do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vào ngày 20/8.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nước này đã mở rộng những biện pháp trừng phạt đối với các công ty và tàu của Nga liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Các hạn chế bao gồm công ty bảo hiểm Constanta, công ty Nobiliti và hai tàu cung cấp liên kết với nó Ostap Sheremeta và Ivan Sidorenko. Tính cả các đối tượng mới, tổng số cá nhân và pháp nhân phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do liên quan đến dự án đã lên tới 23.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga.
Cũng trong ngày 20/8, Nhà Trắng đã công bố một bức thư của Tổng thống Biden gửi cho Quốc hội, trong đó nói rằng, người đứng đầu quốc gia đã ký một sắc lệnh "về việc áp dụng các biện pháp bổ sung đối với một số đường ống của Nga để xuất khẩu các nguồn năng lượng trong trường hợp khẩn cấp trong nước".
Cần lưu ý rằng, tài liệu này nhằm vào các dự án được cho là làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu, bao gồm Ukraine, cũng như "sườn phía Đông của NATO và EU".
Hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã hoàn thành. (Ảnh: AP)
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngay lập tức phản đối lệnh trừng phạt này và cho rằng, lệnh trừng phạt vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Anatoly Antonov nhấn mạnh, Mỹ luôn tìm cách ngăn cản sự phát triển hợp tác bình thường về năng lượng giữa Nga và châu Âu. Đại sứ Nga cũng cáo buộc rằng, những hành động đơn phương của Mỹ là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà cung cấp năng lượng và công nghệ của Washington.
Mỹ công bố các lệnh trừng phạt trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Nga và dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá 11 tỷ USD vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức, được cho sẽ là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm.
Hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã hoàn thành. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, chỉ còn 15 km đường ống sẽ được đặt trên biển. Ông cũng cam kết, Nga sẽ tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ của mình về việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine và sẵn sàng gia hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt này sau năm 2024 với những chi tiết sẽ được bàn thảo thêm.
Cả Mỹ và Ukraine đều phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào những bên tham gia dự án này, nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức.
Đối với những tuyên bố rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án chính trị, Tổng thống Putin kêu gọi coi như một nỗ lực gây hiểu lầm. Ông lưu ý rằng, đường ống này ngắn hơn 2.000 km so với đường vận chuyển của Ukraine và cho phép giảm 5 lần lượng khí thải trong quá trình vận chuyển khí đốt sang châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!