Mumbai - điểm sáng đẩy lùi đại dịch COVID-19

Vân Ánh-Thứ tư, ngày 09/06/2021 18:44 GMT+7

VTV.vn - Trong khi gần khắp đất nước chìm trong khói lửa của một cuộc khủng hoảng nhân đạo vì đại dịch, thì thành phố Mumbai lại là điểm sáng thành công đầy bất ngờ.

Khi đại dịch COVID-19 đổ bộ vào Ấn Độ, những thành phố lớn, đông dân là mục tiêu dễ tổn thương nhất. Thế nhưng, sau một năm chiến đấu với COVID-19, thậm chí trong khi gần khắp đất nước chìm trong khói lửa của một cuộc khủng hoảng nhân đạo vì đại dịch, thì thành phố lớn nhất nước và đông dân nhất khu vực Nam Á - Mumbai - lại là điểm sáng thành công. Thành phố này đã làm thế nào để đẩy lùi được "nanh vuốt" của làn sóng dịch thứ hai?

Khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên tràn vào trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, tình hình xấu đi nhanh chóng. Số người tử vong tăng, lực lượng y tế làm việc quá giờ vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của bệnh nhân. Mumbai chỉ có 80 xe cứu thương và 425 khoa điều trị tích cực cho dân số 20 triệu người.

Người đứng đầu hội đồng thành phố Mumbai biết rằng phải có những thay đổi. Những bệnh viện dã chiến ngay lập tức được dựng lên với hàng nghìn giường bệnh mới, các bệnh viện tư trao lại các khoa điều trị cho chính quyền, 800 xe được chuyển đổi thành xe cứu thương mới.

Vậy mà vẫn chưa đủ để truy quét SARS-CoV-2 bởi Mumbai là nơi có những khu dân nghèo lớn nhất nước.

Ông Iqbal Chahal - Người đứng đầu hội đồng thành phố Mumbai, Ấn Độ cho biết: "Các chuyên gia đều nghĩ rằng COVID-19 sẽ lan như cháy rừng trong các khu dân nghèo, nơi không thể đảm bảo giãn cách, không quy tắc nào được tuân thủ. 10 triệu người sống trong những khu dân nghèo này sẽ chịu sự tấn công nặng nề của virus".

Mumbai - điểm sáng đẩy lùi đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bên trong một trung tâm điều trị khẩn cấp dịch COVID-19 ở Mumbai. Ảnh: AP

Chính quyền thành phố đã áp dụng cách tiếp cận chủ động tại 55 khu dân nghèo bằng lệnh phong tỏa ngặt nghèo, xét nghiệm hàng loạt và triển khai lực lượng tình nguyện nuôi người dân ăn đầy đủ.

Tất cả những báo cáo về tình hình dịch bệnh được đổ về các khu 'phòng chiến tranh' nơi các bác sỹ tập trung phân loại các ca bệnh và quyết định bệnh nhân nào chuyển về đâu.

"Ngay khi một người được xác định dương tính, chúng tôi sẽ chuyển 15 người trong gia đình hoặc hàng xóm vào các khách sạn. Chúng tôi trưng dụng 187 khách sạn, 48 nghìn phòng; mỗi ngày chuyển gần 30 nghìn người có tiếp xúc với các ca bệnh từ các khu dân nghèo vào đó", ông Iqbal Chahal chia sẻ.

Khi làn sóng dịch đầu tiên bị đẩy lùi, Mumbai vẫn duy trì các bệnh viện dã chiến. Nên khi làn sóng dịch thứ hai ập đến vào tháng 3, thành phố đã ở trạng thái sẵn sàng hơn nhiều nơi khác ở Ấn Độ, hệ thống y tế không bị sụp đổ, các đài hóa thân không quá tải. Và dù mật độ dân số cao hơn rất nhiều các thành phố khác, tỷ lệ tử vong ở Mumbai thấp hơn đáng kể.

Là một tay chạy marathon nhiều kinh nghiệm, ông Chahal hiện đã chuẩn bị cho làn sóng dịch thứ 3, được dự báo sẽ đánh mạnh vào trẻ em.

"Chúng tôi đang có 9.000 giường ở các bệnh viện dã chiến, sắp có thêm 6.500 giường nữa với hơn 1.500 khoa điều trị tích cực cùng máy thở… Và khi đại dịch qua đi, chúng tôi sẽ xây thêm nhiều bệnh viện để sử dụng những thiết bị này cho dài hạn", ông Iqbal Chahal nói.

COVID-19: Bài học từ chiến dịch tiêm chủng thất bại của Ấn Độ COVID-19: Bài học từ chiến dịch tiêm chủng thất bại của Ấn Độ

VTV.vn - Ấn Độ đang lâm vào tình trạng khan vaccine khi các ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng nhanh chưa từng có ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước