Mũi vaccine tăng cường: Chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19

An Ngọc-Thứ tư, ngày 24/08/2022 16:07 GMT+7

Thế giới đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường để chống lại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Trước tình hình số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng tại một số nước, việc đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường đang trở thành ưu tiên hàng đầu.

Mối liên quan giữa số ca mắc COVID-19 và tỷ lệ tiêm phòng

Các số liệu thống kê cho thấy, có một mối liên quan mật thiết giữa số ca mắc COVID-19tỷ lệ tiêm phòng. Tại Nhật Bản - quốc gia đang trải qua làn sóng dịch thứ 7, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng, đặc biệt ở nhóm từ 19 tuổi trở xuống, với hơn 300.000 ca/tuần. Con số này gấp đôi mức đỉnh ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh thứ 6, khiến các chuyên gia phải lên tiếng kêu gọi nước này khẩn trương thiết lập một hệ thống điều trị và phòng bệnh, đặc biệt là nâng tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm trẻ tuổi. Hiện tỷ lệ tiêm phòng trong nhóm đối tượng này ở Nhật Bản còn thấp. Tỷ lệ tiêm phòng mũi 3 trong nhóm 12 - 19 tuổi chỉ khoảng 30-39%.

Tại thành phố New York, nơi từng là tâm dịch COVID-19 của Mỹ, tính đến thời điểm này chỉ có một nửa dân số tiêm một mũi tăng cường. Tiến sĩ Ayman El-Mohandes, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng New York, nhận định: "Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố New York cách đây 2 năm, đã có 63% dân số mắc COVID-19. Trong số này nhiều ca đã tái nhiễm. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm các mũi tăng cường". 

Còn tại bang Michigan, chỉ 35,6% cư dân từ 5 tuổi trở lên - khoảng 3,35 triệu người - đã tiêm ít nhất một liều tăng cường. Đối lập với con số này là sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Trung bình có 2.773 người nhiễm virus và 19 người tử vong/ngày vì COVID-19 ở bang Michigan. Xét trên quy mô toàn nước Mỹ, số ca tử vong đang ở mức cao, gần 400 ca/ngày. Đợt bùng phát mới này chủ do các dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh gây ra, tiếp tục làm người dân nhiễm mới hoặc tái nhiễm. Nguy cơ số ca tử vong gia tăng cũng đang hiện hữu khi mùa thu-đông cận kề.

Tại châu Âu, làn sóng lây nhiễm mới cũng khá phức tạp khi tỷ lệ phải nhập viện và điều trị tích cực tăng cao. Bức tranh COVID-19 u ám này càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, đặc biệt là các mũi tăng cường. Đây được xem là chốt chặn hiệu quả nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh mà thế giới đã phải vất vả kiểm soát trong hơn 3 năm qua.

Mũi vaccine tăng cường: Chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Mũi vaccine tăng cường là chốt chặn hiệu quả nhằm ngăn chặn đà lây lan của COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Vì sao tỷ lệ tiêm phòng mũi tăng cường vaccine COVID-19 trên thế giới chậm lại?

Thế giới đã từng chứng kiến một cuộc "chạy đua" vaccine COVID-19 khi các nước nỗ lực xoay xở để có được đủ liều vaccine phục vụ cho nhu cầu trong nước. Các địa điểm tiêm chủng từng ghi nhận tình trạng quá tải với những dòng người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt tiêm. Thậm chí tại Hàn Quốc, ứng dụng nhận mũi tiêm thừa đã ra đời, dành cho người dân nào nhanh chân nhận thay khi người đăng ký trước đó không đến địa điểm tiêm phòng như đã hẹn. Tuy nhiên, khi độ bao phủ 2 liều vaccine cơ bản đạt đến một mức độ nhất định, tỷ lệ tiêm phòng các mũi tăng cường bắt đầu chậm lại.

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân khiến người dân không còn thiết tha với việc tiêm chủng dù các biến thể mới xuất hiện ngày một nhanh và nhiều. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là sau khi làn sóng dịch COVID-19 đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất và người dân được tiêm đủ liều vaccine cơ bản, tâm lý chủ quan đã bắt đầu xuất hiện. Cùng với đó là việc tin giả tiếp tục lây lan, khiến một bộ phận người dân nghi ngại về việc tiêm các liều vaccine tăng cường. 

Tại châu Âu, vấn nạn tin giả thời dịch bệnh vẫn đang hết sức nan giải. Từ năm ngoái, Facebook đã có biện pháp để ngăn chặn các nhóm cực đoan bài vaccine lạm dụng nền tảng mạng xã hội này, nhưng vẫn không thể loại trừ triệt để. Các nhà nghiên cứu tại Reset, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã xác định hơn 15.000 bài đăng trên Facebook lạm dụng hoặc chứa đầy thông tin sai lệch từ V_V – một tổ chức bài vaccine hoạt động trên khắp châu Âu. Trong một báo cáo về các hoạt động của V_V, các nhà nghiên cứu của Reset đã kết luận rằng sự hiện diện liên tục của nó trên Facebook đặt ra "câu hỏi về tính hiệu quả của Meta - công ty mẹ của Facebook".

Tại Ấn Độ - nơi từng là tâm dịch COVID-19 của thế giới, đã có một nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra những lý do hàng đầu khiến người dân ngần ngại tiêm mũi vaccine tăng cường. 64% những người tham gia khảo sát cảm thấy 2 liều vaccine đầu tiên là đủ, bất chấp thông tin hiệu quả của việc tiêm chủng có thể yếu dần theo thời gian. 19% số người trong cuộc khảo sát chia sẻ rằng họ sợ tác dụng phụ ngắn hạn của liều tăng cường. 17% lo lắng về các tác dụng phụ lâu dài của vaccine.

Mũi vaccine tăng cường: Chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 2.

Những lo ngại vô căn cứ đang cản trở người dân tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường: Chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19

Các chuyên gia nhấn mạnh, các mũi tăng cường duy trì sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại COVID-19, phù hợp với cả trẻ em lẫn người lớn. Giám đốc hãng dược Pfizer, Albert Bourla thừa nhận, 2 liều vaccine của hãng có thể không đủ để bảo vệ cơ thể trước biến thể Omicron, do đó việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết trong bối cảnh virus không ngừng tiến hóa. Các chuyên gia cũng trấn an, những triệu chứng sau khi tiêm mũi tăng cường chỉ là ngắn hạn, chẳng hạn như đau cánh tay, sốt, đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày. 

Mặc dù lo sợ những triệu chứng này là điều tự nhiên nhưng chúng không có nghĩa là bạn đang bị bệnh. Thay vào đó, chúng là tín hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang phản ứng với liều tăng cường và xây dựng khả năng bảo vệ chống lại COVID-19. Tác dụng phụ, nếu có, như xuất hiện cục máu đông là khá hiếm gặp.

Mũi vaccine tăng cường: Chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 3.

Khuyến cáo tiêm mũi vaccine tăng cường để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm mới và tái nhiễm COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 gia tăng, giới chức y tế nhiều nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường. Mỹ dự kiến triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 vào đầu tháng 9 tới - cũng là thời điểm người dân đi tiêm vaccine cúm mùa hằng năm - nhằm tránh nguy cơ dịch chồng dịch trong mùa thu - đông. Khoảng 175 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp tới các bang trên toàn nước Mỹ. Hai loại vaccine được sử dụng trong đợt tiêm chủng này là vaccine của Pfizer và Moderna, trong đó vaccine của Pfizer được dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, vaccine của Moderna sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. 

Nghiên cứu của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đầu tháng 8 chứng minh, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Một nghiên cứu khác ở Israel cũng cho thấy, mũi vaccine tăng cường thứ hai giúp giảm 10% ca tái nhiễm so với người chỉ tiêm 3 mũi.

Tại châu Á, Singapore đang cân nhắc triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 hằng năm. Do không thể loại trừ việc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn, các chuyên gia khuyến cáo người dân tiêm mũi tăng cường để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ tái nhiễm. Đây cũng là khuyến cáo được giới chức y tế Indonesia, Malaysia đưa ra.

Mới đây, Anh đã trở thành nước đầu tiên cấp phép vaccine thể lưỡng trị, hiệu quả với cả virus gốc và biến thể Omicron, dùng để tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao. Do đó, các quốc gia cần đẩy mạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm tránh những kịch bản xấu trong quá khứ lặp lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước