Châu Âu là khu vực chiếm phần lớn số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, trong khi các làn sóng COVID-19 vẫn có khả năng mạnh lên do những đột biến của virus SARS-CoV-2.
Dạo trên các đường phố châu Âu trong những ngày hè oi ả này, dường như mọi người không còn nhận thấy sự hiện diện của đại dịch COVID-19 như cách đây vài tháng. Ít gặp những chiếc khẩu trang và quy định giãn cách cũng không còn. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng ngày châu Âu vẫn ghi nhận vài chục nghìn ca mắc mới và hàng trăm ca tử vong do COVID-19.
Ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu, nói: "Chúng tôi nhận thấy số ca mắc mới COVID-19 đã tăng gấp ba lần trong vòng sáu tuần qua. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng nhẹ. Đôi khi có người hỏi là COVID lại quay lại rồi à? Không, virus chưa bao giờ biến mất. Nó vẫn ở đó, đang đột biến và lây lan rộng".
WHO khu vực châu Âu cảnh báo, tình hình sẽ rất cam go vào mùa thu và mùa đông này với sự bùng phát mạnh của các dòng phụ như BA.5 của biến thể Omicron. Khi số ca bệnh càng gia tăng, số người phải nhập viện cũng sẽ tăng lên, gây nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế các nước.
Cùng với COVID-19, châu Âu cũng đang đối phó với tình trạng dịch chồng dịch do bệnh đầu mùa khỉ. Trong số hơn 30.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi từ tháng 5/2022 tới nay, có khoảng 60% số ca được phát hiện ở châu Âu. Cơ quan phụ trách y tế của Liên minh châu Âu đã gửi thư hỏa tốc tới Bộ trưởng Bộ Y tế các nước thành viên, cảnh báo mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi các nước hành động quyết liệt hơn nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
Châu Âu đang cùng lúc phải đối mặt với hai loại dịch bệnh thuộc cấp độ cảnh báo cao nhất của WHO. Khi các chủng virus luôn nhanh chóng thích nghi và biến đổi thành những biến thể mới, việc cảnh giác ứng phó và tiêm vaccine phòng bệnh càng trở nên cấp thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!