Mới chỉ có 0,9% dân số toàn cầu đã được tiêm vaccine COVID-19

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 11/03/2021 19:32 GMT+7

VTV.vn - Ngày 11/3/2021 là tròn 1 năm ngày WHO công bố đại dịch COVID-19, chiến dịch nghiên cứu, sản xuất và tiêm chủng vaccine COVID-19 chưa từng có đã diễn ra trong 1 năm qua.

Hiện toàn thế giới đã tiêm khoảng 320 triệu liều vaccine COVID-19. Theo đó, trung bình cứ 100 người thì có 3,2 mũi tiêm và sự chênh lệch giữa các quốc gia là rất lớn. Nếu tính trung bình, mới chỉ có 0,9% dân số toàn cầu đã được tiêm vaccine. Những người được tiêm chủ yếu là nhóm nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi, có bệnh lý nền. Mới chỉ có 2 quốc gia cho phép tiêm chủng cho tất cả đối tượng là Israel và Bulgaria.

Anh và Israel là 2 trong số ít các quốc gia đang triển khai tiêm chủng đại trà cho mọi đối tượng và đang là những hình mẫu đi đầu trong việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Thành công từ các chương trình tiêm chủng này là nhờ sự đảm bảo ổn định, không gián đoạn nguồn cung, chiến lược phân phối bài bản và có được niềm tin của công chúng. Nhờ "tấm khiên" vaccine COVID-19 và thành quả từ các chương trình tiêm chủng hiệu quả, đến nay, cả Israel và Anh đều đã lên kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, đem lại những tia sáng mới cho người dân giữa đại dịch.

Đằng sau những mũi vaccine được tiêm là nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà khoa học. Những bảng xếp hạng danh tiếng năm nay đã tôn vinh các nhà khoa học đứng sau thành công của vaccine. Tạp chí Financial Times bình chọn vợ chồng Tiến sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci là nhân vật của năm. Họ là người có công sáng lập BioNTech và nỗ lực rất lớn để phát triển vaccine phòng COVID-19. Còn rất nhiều nhân vật nữa đã được tôn vinh trong cuộc đua chống lại virus.

Mới chỉ có 0,9% dân số toàn cầu đã được tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Anh và Israel là những hình mẫu đi đầu trong việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. (Ảnh: AP)

Cuộc chiến chống COVID-19 là cuộc chạy đua mà loài người luôn phải chạy theo sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Chúng ta đang ở trong một cuộc đua giữa một bên là virus đang liên tục đột biến để lây lan dễ dàng hơn và một bên là nhân loại phải cố gắng ngăn chặn sự lây lan này. Trong cuộc chiến này, không chỉ có sự cạnh tranh mà còn có việc hợp tác để đánh bại virus. Đó là sự bắt tay giữa Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để phát triển vaccine hiện đang được đánh giá là có hiệu quả nhất; hãng GlaxoSmithKline (Anh) hợp tác với CureVac của Đức cùng phát triển vaccine.

Với đại dịch COVID-19, chỉ mất 67 ngày vaccine bắt đầu được thử nghiệm trên người. Hầu hết các loại vaccine khác đều mất khoảng 10 năm phát triển, vượt qua nhiều bước từ nghiên cứu, thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng. Tuy nhiên, với vaccine COVID-19, một số bước đã được rút ngắn, kết hợp hoặc bỏ qua để tăng tốc. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, một vaccine được phát triển trong thời gian nhanh kỷ lục như vaccine ngừa COVID-19. Tới nay, đã có 12 loại vaccine COVID-19 khả dụng.

Nỗi lo vẫn chưa dừng lại đây khi hàng loạt biến thể virus mới xuất hiện. Thế giới lại bước vào một cuộc đua khác, cuộc đua điều chỉnh vaccine để khắc chế biến thể SARS-CoV-2.

Thế giới tìm cách sống chung với COVID-19 bằng 'hộ chiếu vaccine' Thế giới tìm cách sống chung với COVID-19 bằng "hộ chiếu vaccine" Trung Quốc đi đầu trong việc cấp hộ chiếu vaccine du lịch Trung Quốc đi đầu trong việc cấp hộ chiếu vaccine du lịch Vaccine của Pfizer và BioNTech có thể vô hiệu hóa biến thể SARS-CoV-2 Vaccine của Pfizer và BioNTech có thể vô hiệu hóa biến thể SARS-CoV-2

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước