Xương voi ma mút khổng lồ được tìm thấy gần công trường xây dựng sân bay ở Mexico City - Ảnh: AP
Cho tới nay, công trình xây dựng bảo tàng cơ bản đã hoàn thành, với nguyên vật liệu và vốn đầu tư tiết kiệm từ dự án xây dựng sân bay. Bảo tàng sẽ có 6 phòng trưng bày về lịch sử loài voi ma mút, quá trình phát triển và tuyệt chủng của loài động vật này ở Mexico và châu Mỹ, cũng như tiềm năng khảo cổ học của sân bay AIFA. Ngoài ra, công trình cũng bao gồm khu thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trung tâm nghiên cứu về loài voi ma mút.
Trong ngôn ngữ cổ, Quinametzin có nghĩa là "khổng lồ". Sở dĩ bảo tàng được đặt tên như vậy là do các công nhân đã phát hiện một bộ xương voi ma mút với kích cỡ ấn tượng tại công trường xây dựng sân bay AIFA. Từ cuối năm 2019 đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được bộ xương nguyên vẹn tới 95% ở 513 điểm khảo sát.
Nhà khảo cổ Édgar Leal Hernández, thuộc Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia (INAH), cho biết voi ma mút Columbia (tên khoa học Mammuthus columbi) là loài lớn nhất từng sinh sống ở Bắc Mỹ. Mỗi cá thể cao tới 4m, cơ thể dài từ 4-6 m và nặng từ 8-10 tấn. Theo ông Hernández, các nhà khoa học cũng khai quật được cả hài cốt người và công cụ, dẫn đến suy luận rằng các nền văn hóa tiền Colombo cũng có liên hệ với bộ xương này.
Nhà khảo cổ thuộc INAH cũng nhấn mạnh Mexico sở hữu bộ sưu tập cổ sinh vật thuộc thế Canh Tân muộn (cách đây 126.000 ± 5.000 năm) lớn nhất ở Mỹ Latinh, với 48.000 mảnh xương đang được nghiên cứu và lập danh mục.
Dự kiến, sân bay quốc tế Felipe Ángeles sẽ chính thức được mở cửa vào tháng 2/2022, bảo tàng voi ma mút chắc chắn sẽ là điểm nhấn thu hút sự chú ý của hành khách đến địa điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!