Melbourne - Trung tâm của sắc lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới

Huệ Anh-Thứ sáu, ngày 07/08/2020 17:12 GMT+7

Cảnh sát và binh sĩ tuần tra đường phố ở Melbourne, Australia (Nguồn: AFP)

VTV.vn - Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, đang bước vào những ngày đầu tiên trong giai đoạn phong tỏa lần thứ hai.

Người dân Melbourne không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cùng nhiều những hạn chế hơn trong bối cảnh bang Victoria đang phải đối mặt với sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 mới

Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia, đang bước vào những ngày đầu tiên trong giai đoạn phong tỏa lần thứ hai kéo dài 6 tuần. Là ổ dịch lớn tại Australia, thành phố thuộc bang Victoria này vừa trải qua một ngày tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát sau khi ghi nhận thêm 725 ca mắc COVID-19 mới và 15 trường hợp tử vong. Số liệu này tiếp tục tạo nên những kỷ lục mới tại Australia kể từ khi đại dịch bùng phát từ giữa tháng 6.

Nguyên nhân được cho là do sự lây lan âm thầm trong nhóm các nhân viên làm việc tại một khách sạn ở Melbourne. CNN dẫn tuyên bố của Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết, chính quyền bang sẽ cung cấp 3 triệu USD nhằm hỗ trợ cuộc điều tra của Uỷ ban Hoàng gia, hình thức điều tra công khai cao nhất của Australia, đối với những nhân viên trên - những người bị cáo buộc đã tiếp xúc với đối tượng đang bị cách ly, vi phạm các quy tắc chống dịch.

Melbourne - Trung tâm của sắc lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới - Ảnh 1.

Cảnh sát tuần tra tại Melbourne, Australia (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, dư luận cũng thừa hiểu, việc sử dụng đội ngũ nhân viên không qua đào tạo đầy đủ cùng sự quản lý "hời hợt" của chủ khách sạn chính là nguyên nhân châm ngòi cho làn sóng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Số ca nhiễm COVID-19 mới tăng vọt dù quy mô ảnh hưởng của dịch vẫn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Hệ thống truy dấu các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Australia theo đó phải chịu áp lực lớn.

Đợt bùng phát này chủ yếu ghi nhận ở tầng lớp người lao động sống tại vùng ngoại ô phía Bắc và phía Tây Melbourne. Việc những người dân nhập cư đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã mở ra thách thức mới đối với chính quyền địa phương, bởi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính mà nhiều dân nhập cư có thể sử dụng. Đa phần trong số họ là "lao động chân tay" - những người vì hoàn cảnh kinh tế ngặt nghèo mà không thể nghỉ làm hay tự cách ly. Số liệu thống kê từ 3.000 cuộc kiểm tra tại chỗ do cảnh sát thực hiện cho thấy, có tới 800 người lao động đã không tự cách ly tại nhà theo yêu cầu.

Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới

Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trên khắp Melbourne khiến thành phố này phải trải qua "lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới". Trong ngày đầu áp đặt lệnh phong tỏa, các cửa hàng ở thành phố Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, đều bị đóng băng. Thậm chí, người dân nước này chỉ được phép di chuyển trong phạm vi 5km quanh khu vực sinh sống trừ trường hợp khẩn cấp hoặc đi làm. Các hoạt động mua sắm và tập thể dục ngoài trời cũng bị hạn chế tối đa. Ngoài ra, chỉ một người duy nhất trong mỗi hộ gia đình được phép ra khỏi nhà bất cứ lúc nào.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Các cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa, ngoại trừ kinh doanh thực phẩm và các hoạt động thiết yếu khác như chăm sóc y tế.

Melbourne - Trung tâm của sắc lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới - Ảnh 2.

Melbourne ghi nhận thêm 725 ca mắc COVID-19 mới và 15 trường hợp tử vong vào thứ Tư vừa qua (Nguồn: Reuters)

Ngay cả xây dựng, một trong những ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế bang Victoria, cũng bị giới hạn không sử dụng quá 25 công nhân. Địa điểm làm việc của mỗi người lao động cũng bị hạn chế.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew cho biết sẽ thiết lập thêm nhiều hạn chế hơn nữa, bao gồm việc đóng cửa hầu hết các trung tâm chăm sóc trẻ em và mở rộng lệnh cấm phẫu thuật tự chọn nhằm giải phóng các nguồn lực y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Những quy định nghiêm ngặt này sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần - hệ luỵ của việc thiếu tuân thủ các hạn chế trước đó được áp dụng vào hồi đầu tháng 7. Việc người dân Melbourne lơ là trước sắc lệnh của giới chức địa phương được cho là do sự "mệt mỏi" mà lệnh phong tỏa gây ra. Nhiều người thậm chí đã bị bắt vì vi phạm nghiêm trọng các quy định tối thiểu. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là điều dễ hiểu.

Hầu hết người dân Melbourne hiện đã chấp nhận thực tế của việc tuân thủ các biện pháp khắc nghiệt này, bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, dù với một tâm thế "khá mệt mỏi". Tại vùng ngoại ô phía Đông Melbourne, nơi chỉ ghi nhận rất ít các ca nhiễm COVID-19, người dân cũng "nhún vai" tuân thủ các quy định giãn cách.

Thành phố Melbourne trước đó cũng chứng kiến cảnh người dân hoảng loạn đi mua đồ ăn tại các siêu thị trong bối cảnh nguồn thịt tươi dần khan hiếm. Các lò giết mổ gia súc nằm trong số ít những cơ sở được phép hoạt động nhưng phải giảm 1/3 số lượng nhân viên do vài ca nhiễm mới đây được phát hiện tại các xưởng làm việc này.

Melbourne - Trung tâm của sắc lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới - Ảnh 3.

Kệ rau gần như trống trơn trong một siêu thị tại Melbourne (Nguồn: Reuters)

Chặng đường dài phía trước

Thủ hiến bang Victoria hy vọng, việc áp dụng những quy định hạn chế mới nhất sẽ giúp "đảo ngược" chiều lây nhiễm của dịch COVID-19 mặc dù trước đó, các chuyên gia cũng cảnh báo sẽ mất khá nhiều thời gian để lệnh phong tỏa mới phát huy hiệu quả. Melbourne thậm chí có thể sẽ phải chứng kiến số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày lên đến 1.100 trường hợp.

Các bang khác của Australia đã xuất hiện ​​một số ít các ca bệnh đặc biệt, chủ yếu liên quan đến khách du lịch hoặc người dân trở về từ các điểm nóng của virus SARS-CoV-2. trong đó, một số người mang mầm bệnh chưa xuất hiện các triệu chứng và vô tình làm lây lan virus. Số khác lại không trung thực trong quá trình khai báo sức khoẻ hoặc cố tình phớt lờ các quy định tự cách ly. Điều này khiến các bang thắt chặt các lệnh hạn chế đối với du khách đến từ Victoria. Điển hình như New South Wales yêu cầu khách du lịch tự cách ly tại khách sạn trong vòng 14 ngày.

Đúng như dự đoán, "bong bóng du lịch" tiềm năng tại Australia, New Zealand hay Hong Kong (Trung Quốc) đã nổ tung. Nền kinh tế đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 tiếp tục chịu một đòn giáng mạnh.

Phát biểu tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Morrison cho biết, theo ước tính mới của Bộ Ngân khố Australia, các lệnh hạn chế cấp độ 4 này sẽ gây thiệt hại từ 7 - 9 tỷ AUD. Cùng với những thiệt hại trước đó, nền kinh tế Australia sẽ phải chịu thiệt hại tổng cộng tới 12 tỷ AUD, tương đương 2,35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Australia quý III/2020. Tỷ lệ thất nghiệp cũng chứng kiến một viễn cảnh tồi tệ không kém khi được dự đoán có thể lên mức đỉnh 13%.

Người dân Australia đang được kêu gọi "giữ vững tinh thần" để vượt qua khủng hoảng, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh hạn chế để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Một bài học cho thành phố Melbourne, Australia cũng như rất nhiều những quốc gia khác là: virus tận dụng rất nhanh bất kỳ những lỗ hổng nào trong các kế hoạch ứng phó.

Người dân Melbourne - những người đã phải trải qua đợt cấm vận trước đó - có thể sẽ cảm thấy "khó chịu" khi phải tiếp tục chịu lệnh phong tỏa tiếp theo. Chính điều này khiến các sắc lệnh mới trở nên kém hiệu quả, đòi hỏi giới chức Australia phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn để ứng phó với đại dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước