Do đa số những người thiệt mạng trong vụ tai nạn mang quốc tịch Nga nên giới chức nước Nga đang triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ công tác cứu hộ, cũng như điều tra vụ tai nạn cùng với Ai Cập.
Phóng viên Duy Nghĩa, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại LB Nga sẽ cung cấp thêm chi tiết.
Xin chào Anh Duy Nghĩa, anh cho biết những diễn biến mới nhất liên quan tới công tác tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay bị nạn?
PV Duy Nghĩa: Cách đây khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, chiếc máy bay thứ 3 của Bộ tình trạng khẩn cấp Nga đã chở 40 nhân viên cứu hộ đến Cairo. Dự kiến, công tác thu thập tử thi sẽ kết thúc trong một vài ngày tới.
Bộ tình trạng khẩn cấp sẽ cử thêm 1 chiếc IL 86 đến để vận chuyển thi thể các nạn nhân, một chiếc khác sẽ tiến hành chụp toàn cảnh toàn bộ khu vực xảy ra thảm hoạ.
Vào lúc 6h sáng 01/11 theo giờ Hà Nội, Bộ trưởng Giao thông, Giám đốc Cơ quan Hàng không Nga và Bộ trưởng tình trạng khẩn cấp Nga đã tới hiện trường
Tối 31/10, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã ký quyết định thành lập Uỷ ban nhân quyền về hỗ trợ các nạn nhân và gia đình những người thiệt mạng, cũng như phối hợp khắc phục hậu quả của vụ rơi máy bay. Uỷ ban này có 12 thành viên đại diện cho các bộ ngành liên quan đứng đầu là Bộ trưởng Giao thông Maxim Sokolov .
Thưa anh, có một chi tiết mà truyền thông Nga ngày 31/10 có nhắc đến, đó là việc người vợ của phi công phụ cho biết là chồng của bà đã phàn nàn về tình trạng của chiếc máy bay ngay trước khi cất cánh. Liệu đây có phải cơ sở để củng cố giả thiết nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật hay không? Ngoài ra còn có những giả thiết nào khác?
PV Duy Nghĩa: Cho đến giờ này, mọi giả thiết đều là giả thiết. Cơ quan Hàng không Liên bang Nga cho biết cơ quan này chưa có bất kỳ căn cứ nào để kết luận vụ máy bay của Nga rơi ở Ai Cập là do lỗi kỹ thuật, sai sót của phi hành đoàn, bị bắn hạ, bị cài bom khủng bố hay hoả hoạn. Cho nên, việc vợ phi công có nhắc chuyện chồng phàn nàn cũng là một chi tiết để báo chí khai thác và các điều tra viên nghiên cứu.
Báo chí Nga đăng tải ý kiến các chuyên gia xung quanh các giả thiết nêu trên. Giả thiết đánh bom khủng bố mâu thuẫn với việc trước khi máy bay rơi, cơ trưởng đã liên lạc với trung tâm điều khiển báo về sự bất ổn trong động cơ và xin hạ cánh khẩn cấp. Về việc chiếc máy bay bị vỡ thành các mảng lớn và bốc cháy, một số chuyên gia cho rằng đó là do máy bay bị trục trặc kỹ thuật dẫn đến bị rơi bất ngờ theo phương thẳng đứng, một số khác cho rằng đó là hậu quả của việc hạ cánh khẩn cấp trên sa mạc không thành.
Chiếc máy bay xấu số bay qua vùng thường xảy ra xung đột giữa quân chính phủ Ai Cập và phiến quân nên có thể có chuyện bị bắn hạ bằng tên lửa. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều đó không thể xảy ra vì máy bay bay ở độ cao 10.000m, không một loại vũ khí nào của quân nổi dậy có thể với tới. Yếu tố con người cũng được loại bỏ bởi cơ trưởng của chuyến bay là người nhiều kinh nghiệm với trên 12.000 giờ bay.
Tại nơi máy bay rơi đã tìm thấy cả 2 chiếc hộp đen, việc nghiên cứu, giải mã dữ liệu sẽ làm sáng tỏ phần nào nguyên nhân thảm hoạ này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.