Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, vào ngày 30/7, một mảnh vỡ nặng 25 tấn của tên lửa này đã rơi trở lại Trái đất một cách mất kiểm soát phía trên Ấn Độ Dương.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào vũ trụ ngày 24/7 từ bãi phóng không gian Văn Xương ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tên lửa này đã đưa thành công một phòng thí nghiệm vũ trụ do Trung Quốc lắp đặt đến quỹ đạo thấp của Trái đất. Khoảng 13 giờ sau đó, nó kết nối vào Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.
Phần thân lõi 25 tấn của tên lửa đã trở lại trong quỹ đạo Trái đất. Vào tối 30/7, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc cho biết, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Trái đất trên vùng biển phía Tây Nam Philippines.
Đây là lần thứ 3 phần thân lõi của Trường Chinh 5B đi vào quỹ đạo sau khi phóng và rơi trở lại Trái đất một cách mất kiểm soát. Các nhà khoa học gần đây đã lo ngại việc rơi mất kiểm soát này có thể gây nguy hiểm cho con người một ngày nào đó.
Ông Bill Nelson, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nói: "Tất cả các bên có hoạt động vũ trụ cần chia sẻ trước những thông tin về quỹ đạo của các vật liệu còn sót lại của tên lửa nhằm giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ".
Sau khi phóng tên lửa đẩy, đa số các nước chọn giải pháp theo dõi và chờ mệnh lệnh từ trung tâm điều khiển để đưa phần thân lõi đi vào khí quyển Trái đất, cho phép các vật liệu còn sót lại rơi xuống điểm đã định trên biển. Giới khoa học cho rằng cần tiến hành cải tiến các tên lửa theo hướng an toàn và kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!