Vào năm 2012, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ ly hôn lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ kết hôn. Số vụ ly hôn đạt đỉnh 4,71 triệu vào năm 2019, trước khi giảm xuống còn 2,1 triệu vào năm 2022. Sự sụt giảm 2 năm qua qua một phần là do việc xử lý đơn ly hôn bị chậm trễ trong thời kì phong tỏa chống dịch COVID-19 và do chính phủ Trung Quốc áp dụng quy định "30 ngày hạ nhiệt" - tức là các cặp vợ chồng phải đợi 30 ngày trước khi hoàn tất thủ tục ly hôn. Giới chứcTrung Quốc tin rằng khoảng thời gian đó là đủ để các cặp vợ chồng suy nghĩ kỹ hơn về quyết định "đường ai nấy đi".
Cùng quay ngược lại lịch sử, ở Trung Quốc thời đế quốc, ly hôn là "đặc quyền của nam giới" và quyền ly hôn của phụ nữ rất hạn chế.
Vào đầu những năm 1900, chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây về quyền tự do kết hôn và ly hôn cũng như bình đẳng giới, việc ly hôn được phép diễn ra khi có sự đồng ý của cả hai vợ chồng hoặc phụ nữ bị kiện. Tuy nhiên, quá trình này vẫn bị kỳ thị nặng nề và nộp đơn ly hôn là một thách thức lớn đối với phụ nữ.
Vào những năm 1950, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra Luật Hôn nhân - xóa bỏ các tập tục hôn nhân phong kiến và đưa ra một hệ thống hôn nhân mới dựa trên chế độ một vợ một chồng, bình đẳng giới cũng như tự do kết hôn và ly hôn. Luật Hôn nhân biến thành "luật ly hôn" khi nhiều phụ nữ tận dụng nó để thoát khỏi các cuộc hôn nhân sắp đặt.
Vào những năm 1980, ly hôn với nguyên nhân "không còn tình cảm với nhau" đã được phép, và vào năm 2001, bạo lực gia đình và ngoại tình cũng được thêm vào danh sách các lý do được tòa án chấp thuận ly hôn. Năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã đơn giản hóa việc đăng ký ly hôn bằng cách loại bỏ yêu cầu phải có thư từ đơn vị làm việc của những người ly hôn.
Theo tờ Channel News Asia, những sửa đổi này đã nới lỏng thủ tục ly hôn và khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia ly hôn dễ dàng và với chi phí thấp nhất thế giới. Mãi đến năm 2021, chính phủ mới đưa ra quy định "Thời gian hạ nhiệt" kéo dài 30 ngày để hạn chế tỷ lệ ly hôn gia tăng. Nhưng luật mới này được đưa ra quá muộn và có thể có ít tác động về lâu dài.
Trung Quốc khuyến khích kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn đầu của thời kỳ cải cách kinh tế - hầu hết các gia đình chỉ được sinh một con từ năm 1979 đến năm 2015. Không giống như cha mẹ của họ, thế hệ một con tại Trung Quốc phần nào chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây về sự lãng mạn, tự do trong tình yêu và quyền cá nhân.
Đối với họ, hôn nhân là vì tình yêu và sự lựa chọn cá nhân. Tâm lý này đã dẫn đến hiện tượng "hôn nhân trần trụi" - trong đó các cặp đôi kết hôn không xe hơi, nhà cửa, nhẫn cưới, tiệc cưới hay tuần trăng mật - và sự phổ biến của các cuộc hôn nhân "chớp nhoáng" ở các cặp vợ chồng trẻ, kéo theo đó là "ly hôn chớp nhoáng".
Thế hệ sau thập niên 1980 cũng là đối tượng của những thay đổi cuộc sống chưa từng có, được gia đình và nhà nước quan tâm, đầu tư. Trình độ học vấn và địa vị kinh tế ngày càng cao, đặc biệt là của phụ nữ, đã làm thay đổi mô hình hôn nhân gia trưởng truyền thống.
Người xưa vẫn có câu "gái ham tài, trai ham sắc". Nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ tài giỏi, trở thành trụ cột cho gia đình. Điều này thúc đẩy quan niệm và xu hướng "phụ nữ mạnh mẽ hơn và đàn ông yếu ớt hơn".
Nhiều cặp vợ chồng đến trung tâm tư vấn tâm lý trước khi quyết định ly hôn.
Chủ nghĩa nữ quyền hiện đại ở Trung Quốc bảo vệ và đòi hỏi các quyền, lợi ích của phụ nữ, từ việc chống lại chủ nghĩa phân biệt giới tính và chủ nghĩa sô-vanh ở nam giới cho đến việc ủng hộ quyền bình đẳng họ của phụ nữ với chồng của họ.
Chính vì vậy, cũng theo phân tích của Channel News Asia, phụ nữ ngày càng trở nên không khoan dung với những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và họ sẽ quyết định ly hôn để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, đàn ông lựa chọn ly hôn khi kỳ vọng của họ về vai trò giới trong hôn nhân không phù hợp với kỳ vọng của vợ.
Nhưng những người không có điều kiện kinh tế và văn hóa hạn chế - đặc biệt là phụ nữ - có thể bị thiệt thòi trong việc tiếp cận và thực hiện quyền ly hôn. Phụ nữ có con cũng thường gặp khó khăn và thách thức về tài chính trong việc tái hôn sau ly hôn.
Các thế hệ sau thập niên 1980 đã phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, giá nhà ở quá cao. Nhiều người dựa vào cha mẹ của họ về tài chính và tình cảm. Cha mẹ đã đầu tư rất nhiều cho đứa con duy nhất của họ, bao gồm học phí, chi phí đám cưới và nơi cư trú sau hôn nhân. Điều này đã hợp pháp hóa vai trò của các bậc cha mẹ trong việc quản lý cuộc sống riêng tư của con cái, từ việc sắp xếp những buổi hẹn hò mù quáng đến giám sát cuộc sống hôn nhân của con cái. Sự can thiệp như vậy dễ dẫn đến xung đột hôn nhân của những đứa con đã trưởng thành và là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
Chi phí sinh hoạt gia tăng kết hợp với tình trạng thất nghiệp và phong tỏa trong thời kỳ COVID-19 đã dẫn đến những căng thẳng về kinh tế và tinh thần trong các gia đình. Điều này đồng thời gây ra các vụ bạo lực gia đình và xung đột tiềm ẩn ngày càng gia tăng, dẫn đến hệ quả đáng buồn là ly hôn.
Do đó, kể từ khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch COVID-19, làn sóng ly hôn đã xảy ra ở nhiều tỉnh, được đánh dấu bằng hàng dài các cặp vợ chồng chờ ly hôn tại các văn phòng dân sự địa phương.
Nhiều trường hợp phụ nữ tử vong sau khi bị chồng hoặc bạn trai bạo hành.
Ly hôn để thoát khỏi bạo lực gia đình
Một nghiên cứu do Công ty Luật Qianqian Bắc Kinh - công ty chuyên đại diện cho phụ nữ và trẻ em Trung Quốc bị lạm dụng, đã chỉ ra rằng các tòa án thường bác bỏ hoặc phớt lờ các yêu cầu của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do bạn tình gây ra, khiến các nạn nhân không thể đòi bồi thường cho những tổn thương về thể xác và những tổn thương khác. Công ty luật cũng kêu gọi các nhà lập pháp Trung Quốc mở rộng định nghĩa pháp lý về bạo lực gia đình để có thể xử lý những vụ kiện lạm dụng tình dục và tài chính không có sự đồng thuận. Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Canada, quan hệ tình dục ép buộc là căn cứ hợp lệ để ly hôn và là hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt. Nhưng Trung Quốc nằm trong số gần 30 quốc gia trên thế giới mà vợ hoặc chồng không thể nộp đơn khiếu nại hình sự đối với bạn đời của họ khi bị ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn.
Một báo cáo năm 2020 của tổ chức phi chính phủ về bình đẳng giới và quyền phụ nữ "Bình đẳng Bắc Kinh" cho thấy hơn 900 phụ nữ đã tử vong dưới tay chồng hoặc bạn tình của họ kể từ khi luật chống bạo lực gia đình của Trung Quốc có hiệu lực. Một trong những trường hợp được nhiều người biết đến và thương tâm nhất, đó là trường hợp người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Lhamo đã qua đời vào năm 2020 sau khi chồng cũ phóng hỏa cô trong một buổi phát trực tiếp. Trước khi vụ việc xảy ra, Lhamo đã nhiều lần gọi cảnh sát khi bị lạm dụng, nhưng khiếu nại của cô đã không được giải quyết.
Một đôi vợ chồng mới cưới tặng hoa nhau nhân ngày Lễ Tình nhân 2023 tại Bắc Kinh.
Ly hôn - Sản phẩm phụ của nền kinh tế tăng trưởng nhanh
Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã mở ra một chiếc hộp Pandora chứa nhiều lý do dẫn đến ly hôn - sự thịnh vượng về kinh tế, tự do cá nhân, khả năng di chuyển tăng lên và sự theo đuổi chủ nghĩa vật chất ngày càng tăng.
Nhu cầu tình cảm đi kèm với xu hướng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, mại dâm và ngoại tình trong hôn nhân, dẫn đến tan vỡ các mối quan hệ và ly hôn.
Ly hôn hiện được các thế hệ sinh sau thập niên 1980 coi là một bước đi cuối cùng trong việc tìm hạnh phúc cho bản thân. Kể từ đầu những năm 2010, nghi lễ ly hôn nổi lên như một "cách tiếp cận tao nhã" để kết thúc tình yêu và kỷ niệm hôn nhân.
Và chuyện lạ là ngày càng có nhiều phụ nữ chia sẻ và ca ngợi cuộc sống hậu ly hôn của họ trên mạng xã hội, ca ngợi giấy ly hôn là "giấy chứng nhận hạnh phúc". Một số thậm chí còn chi hàng nghìn USD cho việc chụp ảnh ly hôn.
Cuộc sống hôn nhân không giống bất kỳ mối quan hệ tìm hiểu nào trước khi cưới và có lẽ rất nhiều nguyên nhân như áp lực kinh tế, trách nhiệm con cái, phụng dưỡng cha mẹ ….đã là giọt nước tràn ly, khiến nhiều người trẻ chọn ly hôn như một giải pháp cuối cùng. Đối với một xã hội đang già hóa nhanh chóng như Trung Quốc, ly hôn có lẽ là bài toán khó giải tiếp theo sau những nỗ lực khuyến khích tăng tỷ lệ sinh ở quốc gia tỷ dân này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!