Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, hàng đầu) tại phiên xét xử của tòa án quận Manhattan, bang New York, Mỹ, ngày 2/10/2023. (Ảnh: USA TODAY/TTXVN)
Tại một sự kiện vận động ở bang Georgia, ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump - người vẫn từ chối chấp nhận ông đã thua Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 - cho biết ông muốn chiến thắng vào ngày Bầu cử 5/11 tới phải áp đảo đến mức "không thể gian lận".
Tuy nhiên, bất kể khoảng cách chiến thắng rộng đến bao nhiêu, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đang sẵn sàng tinh thần chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý có khả năng kéo dài liên quan đến kết quả bầu cử sau khi được công bố.
Hàng chục vụ kiện có thể tạo tiền đề cho các thách thức sau khi quy trình kiểm phiếu đã diễn ra. Trong lịch sử bầu cử, các vụ kiện trước đây phần lớn đều do đảng Cộng hòa và các đồng minh của họ đệ trình. Nhiều vụ kiện liên quan đến các cáo buộc bỏ phiếu qua thư, lá phiếu từ cử tri ở nước ngoài và các khiếu nại về việc bỏ phiếu của những người không phải là công dân Mỹ.
Trong khi cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần từ chối tuyên bố rõ ràng ông sẽ chấp nhận kết quả của năm nay thì đảng Dân chủ cũng lên tiếng cảnh báo có thể từ chối chứng nhận kết quả hợp lệ và thúc đẩy kiện tụng.
Mặc dù từ lâu các cuộc chiến giữa các đảng về luật bỏ phiếu đã là một phần của các chiến dịch tranh cử tổng thống, song các vụ kiện tụng bầu cử đã tăng vọt trong những năm gần đây.
Theo luật sư đảng Dân chủ Marc Elias, người sáng lập nhóm theo dõi các vụ kiện tụng bầu cử Democracy Docket, chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Ngày bầu cử, khoảng 180 vụ kiện bỏ phiếu và bầu cử đã được đệ trình trong năm nay.
Tỷ lệ các vụ kiện liên quan đến bầu cử đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2000, khi Tòa án Tối cao bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 để giải quyết cuộc bầu cử có lợi cho ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush thay vì ứng cử viên Dân chủ Al Gore.
Vai trò của tòa án cấp cao trong cuộc đua này đã thúc đẩy sự quan tâm đến luật bầu cử, thúc đẩy sự gia tăng các vụ kiện tụng diễn ra nhanh hơn vào năm 2020 do những thay đổi trong các quy tắc bỏ phiếu trong đại dịch COVID-19.
Những thay đổi đối với các quy định tài trợ cho chiến dịch tranh cử cách đây một thập kỷ cũng cho phép các nhà tài trợ cung cấp cho các đảng một khoản tiền mặt khổng lồ dành riêng cho các cuộc chiến pháp lý. Các vụ kiện tụng bầu cử ngày nay không phải lúc nào cũng là về việc giành chiến thắng tại tòa án, mà còn gửi một thông điệp chính trị để khích lệ các nhà tài trợ.
Đầu năm nay, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã khởi động chương trình "chưa từng có" về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, với kế hoạch có 100.000 tình nguyện viên và luật sư tại các tiểu bang chiến trường quan trọng như một phần của "cam kết đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong cuộc bầu cử năm 2024’.
Cuộc chiến quan trọng nhất tại tòa án có thể là về các quy định chứng nhận phiếu bầu. Có một quy trình xem xét mới, nhanh hơn đối với các tranh chấp chứng nhận theo các bản cập nhật của Đạo luật Cải cách Số phiếu bầu do Quốc hội thông qua vào năm 2022.
Tuần trước tại bang Georgia, một thẩm phán tuyên bố 7 quy định bầu cử mới do Hội đồng Bầu cử Tiểu bang thông qua gần đây là "bất hợp pháp, vi hiến và vô hiệu". Trong đó có một quy định yêu cầu số lượng lá phiếu phải được đếm thủ công sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Một quy định khác yêu cầu các quan chức của quận phải tiến hành "cuộc điều tra hợp lý" trước khi chứng nhận kết quả, nhưng không nêu rõ điều đó có nghĩa là gì.
Đảng Cộng hòa đã kháng cáo quyết định của thẩm phán về việc vô hiệu hóa các quy định lên tòa án tối cao của tiểu bang. Trong khi đó, Chủ tịch RNC Michael Whatley cũng gọi phán quyết đó là "hành động tư pháp tồi tệ nhất".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!