Dù cháy rừng không phải chuyện hiếm ở quốc gia này, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, chưa bao giờ người dân "xứ chuột túi" lại phải chịu thảm họa khốc liệt đến vậy.
Con số thương vong và thiệt hại gia tăng mỗi ngày
27 người đã thiệt mạng trong những đám lửa hung dữ tại nhiều bang, trong đó có cả những người lính cứu hỏa. Hơn 2000 ngôi nhà đã biến thành tro bụi hoàn toàn. Đấy là số liệu thống kê ban đầu, con số thiệt hại được dự báo sẽ còn tăng thêm. Hãng tin CNN bình luận như vậy.
Dữ liệu Analytics của hãng Moody’s vừa cho biết thiệt hại kinh tế từ các vụ cháy rừng tàn phá bờ biển phía Đông của Australia có khả năng vượt quá con số kỷ lục 4,4 tỷ đô la Mỹ mà vụ cháy "Thứ Bảy Đen tối" năm 2009 gây ra.
Chuyên gia kinh tế của Moody’s Katrina Ell cho biết: các vụ hỏa hoạn sẽ làm tê liệt lòng tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nền kinh tế Australia do hệ lụy của ô nhiễm không khí và sự tàn phá các ngành kinh tế chính là nông nghiệp và du lịch!
Với các thành phố bị bao trùm trong khói như Canberra, Sydney và giờ là Melbourne, các bác sĩ đã cảnh báo về nguy cơ bệnh hô hấp gia tăng - đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương như người có hệ miễn dịch suy yếu, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Hôm thứ hai tuần này, Cục Khí tượng Australia cảnh báo rằng tầm nhìn ở Melbourne hiện đã xuống rất thấp, chỉ chưa đầy 1km ở nhiều nơi trên khắp thành phố và khu vực lân cận. Điều này vô cùng nguy hiểm đối với những người bắt buộc phải ra đường.
Mưa!
Cuối cùng thì những cơn mưa đã xuất hiện, mang lại hy vọng dù nhỏ nhoi cho cả người dân và những loài động vật ở xứ này. Nhân viên cứu hỏa tận dụng thời tiết ôn hòa để tạo các đường ranh ngăn lửa xung quanh các đám cháy. Nhưng có vẻ vài hạt mưa chẳng thấm tháp vào đâu! Nhiệt độ có thể sẽ tăng trở lại vào cuối tuần này! Mối lo ngại vẫn còn đó!
Mùa hè – mùa cháy rừng
Năm nay, Australia phải trải qua một mùa hè nóng khủng khiếp, với mức nhiệt trung bình được ghi nhận vào ngày 18/12 là 41,9 độ C. Các nhà khí tượng học cho biết, hiện tượng thời tiết lưỡng cực ở Ấn Độ Dương, là nguyên chính đằng sau sức nóng cực độ ở quốc gia này. Thêm vào đó, nhiều vùng của Australia vốn đã ở trong tình hình khô hạn kéo dài từ vài tháng, cho đến vài năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các đám cháy lan ra dễ dàng hơn.
Sét cũng là một trong những "kẻ phá hoại" đã gây nên vụ cháy khi đánh xuống những vùng đồng cỏ khô hạn. Những tia sét "dường như" cố tình chọn những đồng cỏ hoang khô hạn từ mấy năm nay để thể hiện sức tàn phá của chúng. Người dân cho rằng chính sự lơ là của chính phủ trong việc dọn dẹp những đồng cỏ hoang đã khiến ngọn lửa nhanh chóng lan vào khu dân cư. Và thế là, ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" nhưng được hiểu theo hướng tiêu cực, đã kết hợp, khiến thảm họa này trở nên cực điểm.
Hiện cảnh sát Australia đã triệu tập 183 đối tượng người tình nghi, được cho là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc gây nên các vụ cháy để điều tra. Nếu bị xác định là có tội, mức án phạt cao nhất có thể lên tới 21 năm tù.
Những con số biết nói
Những đám cháy rừng lan ra trên diện tích hơn 10,3 triệu ha, tương đương với diện tích của Hàn Quốc. Và chúng sẽ không dừng lại ở đó. , Nhiệt độ có thể tăng trở lại cuối tuần này, khiến nhiều người lo ngại rằng các đám cháy lớn có thể nhập lại, trở thành một "đám cháy mới khủng khiếp hơn".
Khoảng 500 triệu cá thể động vật đã bị chết cháy. Trong đó, 8.000 cá thể gấu koala, tương đương gần 1/3 số lượng gấu koala tại Australia, đã bị chết do bỏng, thương tích hoặc sốc nhiệt.
Khói mù từ Australia bốc lên cao khoảng 6.000 mét và bay xa hơn 12.000 km tới các nước Nam Mỹ như Chile và Argentina
Theo bà Clare Nulli, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới, thì "bầu trời ở thành phố Auckland của New Zealand đã biến thành màu da cam, trong khi ở Chile đã bắt đầu chuyển sang màu xám mù mịt, và hoàng hôn ở Buenos Aires của Argentina trở nên đỏ rực, bởi khói".
Ngành du lịch Australia dự báo thiệt hại ban đầu ở mức tương đương 3,1% GDP nước này.
Lễ tang của người lính cứu hỏa đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
"Mẹ ơi sao người ta nhốt bố vào trong hộp gỗ?"
Đó là câu hỏi ngây thơ của cô bé Charlotte O’Dwyer, con gái người lính cứu hỏa Andrew O’Dwyer. Anh đã hy sinh khi lao vào biển lửa để cứu những động vật la hét thảm thiết, cứu những cánh rừng, những con người mà anh ấy yêu thương tại Autralia. Cô bé quá ngây thơ đến nỗi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, và bé cũng chẳng biết rằng mình đã mất đi người bố mãi mãi, đó là điều không gì trên đời có thể bù đắp nổi.
Nhìn cảnh bé đội chiếc mũ của bố, đeo chiếc huy chương danh dự trên ngực, ai cũng đau nhói lòng. Thiếu vắng cha, đó là mất mát vô cùng lớn. Nhưng chắc chắn rằng sau này khi lớn lên, cô bé Charlotte O’Dwyer sẽ luôn tự hào về người cha của mình!
Nước xa có cứu được lửa gần?
Lần đầu tiên trong lịch sử Australia, lệnh triệu tập quân đội tham gia nhiệm vụ cứu trợ đặc biệt được đưa ra. 3000 binh sỹ dự bị thuộc Lực lượng quân đội Hoàng gia Australia được huy động đến các vùng bị hỏa hoạn để ứng phó. Chính phủ Australia thông báo dành ít nhất 2 tỷ đô la Australia cho các hoạt động khắc phục hậu quả cháy rừng trong hai năm tới, trước hết là xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học và cơ sở y tế.
Những téc nước được trực thăng thả xuống vùng cháy, nhưng còn chưa kịp chạm đất, chúng đã bị sức nóng của ngọn lửa làm bốc hơi hết. Vậy là chính quyền cũng không thể mạo hiểm tính mạng của nhân viên cứu hộ, đành quay trực thăng và…chờ mưa rơi.
Khổ nhất có lẽ là những chủ trang trại và nhân công làm việc tại đó. Hàng nghìn trang trại biến mất, hàng trăm chủ trại phá sản, hàng nghìn người lao động mất việc làm. Nguồn cung thực phẩm được dự báo sẽ sớm cạn kiệt, khi giá cả thực phẩm cũng đang leo thang mỗi ngày. Thậm chí, các chuyên gia còn không loại trừ nguy cơ kinh tế Australia có thể rơi vào khủng hoảng, do phải gánh chịu thiệt hại cả về môi trường, môi sinh và kinh tế!
Nếu có một điều ước, chắc chắn, người dân Australia lúc này chỉ mong "mưa lớn, mưa thật lớn" xuống những cánh rừng đang trong hỏa ngục!
Tham khảo: CNN, BBC, Reuters