Lối thoát nào cho cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/01/2024 18:52 GMT+7

VTV.vn - Đã 3 tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, khói lửa vẫn tiếp diễn tại dải Gaza. Xung đột có nguy cơ lan rộng khi xuất hiện nhiều điểm nóng mới.

Đụng độ gia tăng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ. Mỹ và Anh không kích nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen. Tình hình hiện nay đang đặt ra những thách thức gì với với an ninh khu vực?

Nguy cơ lan rộng xung đột tại Trung Đông

Tình hình khu vực Trung Đông đang diễn ra theo chiều hướng nguy hiểm. Xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza chưa hạ nhiệt, trong khi lại đã xuất hiện những điểm nóng mới cho thấy xung đột đang lan rộng.

Giao tranh đang nổ ra tại biên giới Israel - Lebanon và trên Biển Đỏ - một tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.

Loạt diễn biến mới này đang đẩy Trung Đông vào vòng luẩn quẩn của bạo lực, đe dọa an ninh toàn khu vực, làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như đà phục hồi mong manh của kinh tế thế giới.

Những đợt không kích của quân đội Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen. Mục tiêu là trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi. Các cuộc không kích đánh dấu phản ứng đầu tiên của quân đội Mỹ đáp trả chiến dịch tấn công nhằm vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi.

Ông Yahya Sarea - Phát ngôn viên Quân đội Houthi - cho biết: "Các lực lượng vũ trang Houthi sẽ không ngần ngại nhắm vào các mối đe dọa và tất cả các mục tiêu thù địch trên đất liền và trên biển để bảo vệ Yemen, chủ quyền và độc lập của chúng tôi".

Hội đồng Tổng thống Yemen kêu gọi lực lượng Houthi ở nước này không đẩy Yemen vào một cuộc xung đột với các cường quốc quốc tế. Houthi thời gian qua mở nhiều cuộc tập kích bằng tên lửa, thiết bi bay không người lái vào tàu hàng mà nhóm cho là của Israel hoặc có liên hệ với Tel Aviv ở Biển Đỏ, nhằm thể hiện ủng hộ với lực lượng Hamas. Nhóm tuyên bố sẽ tiếp tục tập kích tàu hàng tại Biển Đỏ cho tới khi Israel ngừng chiến dịch ở Dải Gaza.

Lối thoát nào cho cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông? - Ảnh 1.

Các tàu của Houthi hộ tống tàu chở hàng Galaxy Leader bị bắt giữ ngày 19/11/2023 (Ảnh: AP)

Hiện nay, các tàu thuyền đã không chọn lộ trình qua kênh đào Suez mà sẽ vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Ông Chris Parry - Cựu sĩ quan Hải quân Anh - cho biết: "Giá cước vận chuyển và bảo hiểm đã thực sự tăng đột biến. Điều đó là không bền vững. Chúng ta hoặc thuyết phục người Saudi Arabia đàm phán với người Houthi, hoặc chúng ta sẽ tấn công họ bởi vì đây là eo biển quốc tế, tàu buôn có toàn quyền đi qua một cách an toàn".

Hezbollah đã tấn công dọc biên giới gần như mỗi ngày kể từ khi xung đột Israel - Hamas diễn ra, với mục tiêu là ghìm chân một phần lực lượng Israel, dẫn đến hành động đáp trả của Israel. Tuy nhiên, cả hai bên dường như tính toán cẩn thận để bảo đảm mọi chuyện không vượt tầm kiểm soát.

Một tuần gần đây, căng thẳng lại bùng lên khi Israel có chiến lược tấn công truy sát các thủ lĩnh của Hamas và Hezbolla. Ngày 6/1, lực lượng Hezbollah bắn trúng căn cứ kiểm soát không lưu trên đỉnh núi Meron của Israel, trong cuộc tấn công được coi là nghiêm trọng nhất của Hezbollah nhằm vào Israel kể từ khi xung đột Israel - Hamas diễn ra 3 tháng trước. Hezbollah gọi đây là động thái đáp trả vụ sát hại phó thủ lĩnh Hamas trên lãnh thổ Lebanon hôm 5/1. Israel được cho là đứng sau vụ ám sát này.

Ông Hassan Nasrallah - Thủ lĩnh lực lượng Hezbollah - cho rằng: "Mức độ nguy hiểm sẽ còn lớn hơn nếu chúng tôi không phản ứng lại hành vi gây hấn này. Chúng tôi không thể im lặng".

Về phía Israel, nước này tuyên bố nếu căng thẳng không thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao, nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: "Chúng tôi sẽ không dừng lại, cho đến khi chiến thắng. Mọi cân nhắc khác phải được đặt sang một bên và chúng tôi phải tiếp tục cho đến khi chiến thắng hoàn toàn".

Hôm thứ Ba tuần này, Ngân hàng Thế giới đưa ra cảnh báo, những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột lan rộng hơn có thể thúc đẩy một đợt tăng giá mới do giá dầu và thực phẩm tăng vọt, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào một thập kỷ "lãng phí" và là giai đoạn tăng trưởng yếu nhất trong 30 năm.

Giai đoạn mới trong cuộc chiến Israel - Hamas

Cứ sau mỗi vụ tấn công, nỗi lo về một cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông lại gia tăng. Đã 3 tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, giao tranh vẫn tiếp diễn trên khắp các khu vực ở Dải Gaza. Các cuộc tấn công của Israel nhằm vào miền Nam và Trung Gaza gia tăng bất chấp việc Tel Aviv cam kết sẽ rút bớt quân và chuyển sang một chiến dịch có mục tiêu hơn. Một cuộc chiến dự báo sẽ còn kéo dài và cam go, vì dường như cả Israel và Hamas vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Lối thoát nào cho cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông? - Ảnh 2.

Quân đội Israel tại Dải Gaza ngày 8/11/2023 (Ảnh: AP)

Nhiều xe tăng của Israel di chuyển khỏi Dải Gaza. Các binh sĩ nghỉ ngơi, sửa chữa thiết bị quân sự tại một căn cứ gần biên giới. Những dấu hiệu cho thấy Israel đang xúc tiến giai đoạn mới của chiến dịch quân. Quân đội sẽ cắt giảm lực lượng tại Gaza trong tháng này, cho phép một số cư dân sống trong các cộng đồng gần biên giới với Dải Gaza trở về nhà của họ sau 3 tháng giao tranh, và bước sang giai đoạn mới với các chiến dịch "dọn dẹp" kéo dài nhiều tháng.

Đô đốc Daniel Hagari - Người phát ngôn quân đội Israel - cho biết: "Chúng tôi đang điều chỉnh kế hoạch triển khai lực lượng ở Gaza và bố trí lực lượng dự bị. Những điều chỉnh này nhằm chuẩn bị cho phần còn lại của năm 2024, khi chúng tôi sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn và tiếp tục chiến đấu trong suốt năm nay".

Việc cắt giảm lực lượng, thay đổi chiến thuật một phần được thúc đẩy bởi yêu cầu củng cố nền kinh tế Israel, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột. Động thái này cũng diễn ra sau khi Hải quân Mỹ thông báo rằng tàu sân bay Gerald R. Ford - được triển khai tới Đông Địa Trung Hải kể từ khi chiến sự nổ ra - sẽ trở về Mỹ. Những bước đi này có thể dọn đường cho một giai đoạn lâu dài mới của cuộc chiến với cường độ thấp hơn chống lại Hamas.

Về phía Hamas, lực lượng này vẫn tiếp tục sử dụng mạng lưới đường hầm để phục kích binh lính Israel và bắn rocket sang lãnh thổ Israel. Vẫn còn khoảng 130 người Israel đang bị Hamas bắt làm con tin. Dù chịu nhiều thiệt hại nhưng một thành công của Hamas là vẫn đang đứng vững được và đã đưa vấn đề Palestine lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận về Trung Đông. Thêm vào đó, các nước Arab trong khu vực cũng đã bộc lộ sự phẫn nộ rõ ràng với Israel, dù trước đó đang trong tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Các cuộc giao tranh liên tiếp cũng khiến công tác cứu trợ đến Dải Gaza gặp nhiều khó khăn. Tổ chức Y tế thế giới đã phải hủy 6 chuyến hàng vật tư y tế đến Gaza trong 2 tuần qua do không nhận được đảm bảo về an ninh.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - cho rằng: "Gần 90% dân số Gaza - 1,9 triệu người - đã phải di dời. Rào cản cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza không phải là khả năng của Liên hợp quốc, WHO hay các đối tác của chúng tôi. Rào cản là khả năng tiếp cận. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi ngừng bắn".

Lối thoát nào cho cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông? - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AP)

Hiện tại, Dải Gaza chỉ còn 15 bệnh viện hoạt động nhưng không đầy đủ, trong bối cảnh các cơ sở này thường bị quân đội Israel tấn công vì cho là nơi ẩn náu của Hamas.

Nỗ lực ngoại giao hạ nhiệt xung đột

Những bất định dai dẳng đang khiến khu vực Trung Đông bước sang năm 2024 này với không nhiều hy vọng về một bước đột phá cho triển vọng hòa bình, cho dù xu hướng hòa giải tiếp tục được thúc đẩy.

Trong tuần qua, hàng loạt các cuộc ngoại giao con thoi đã được giới chức Mỹ và châu Âu triển khai tại khu vực. Riêng Ngoại trưởng Mỹ có chuyến công du thứ 4 trong vòng 3 tháng tới Trung Đông kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát. Tuy nhiên, xoa dịu căng thẳng tại vùng đất đang sục sôi thù địch như Trung Đông không phải là một bài toán dễ tìm lời giải.

Ngày 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần đến hàng loạt quốc gia Trung Đông, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, những nước này sẵn sàng đóng góp vào các kế hoạch thời hậu chiến để đổi lấy tiến bộ trong việc thành lập Nhà nước Palestine.

Lối thoát nào cho cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông? - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về cách xây dựng hòa bình và an ninh lâu dài tại khu vực. Như tôi đã nói với Nhà lãnh đạo Israel, mọi đối tác mà tôi gặp trong chuyến đi này đều nói rằng họ sẵn sàng hỗ trợ một giải pháp lâu dài nhằm chấm dứt vòng xoáy bạo lực đang diễn ra và đảm bảo an ninh của Israel. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng điều này chỉ có thể đạt được thông qua cách tiếp cận khu vực bao gồm con đường dẫn tới một nhà nước Palestine".

Về phía châu Âu, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng tới Trung Đông nhằm thảo luận tình hình trong và xung quanh dải Gaza, đặc biệt là tình hình ở biên giới Israel - Lebanon, cũng như tầm quan trọng của việc tránh leo thang trong khu vực và duy trì hỗ trợ nhân đạo cho dân thường.

"Tôi nghĩ rằng xung đột có thể được ngăn chặn và ngoại giao có thể chiếm ưu thế để tìm kiếm giải pháp tốt hơn. Điều bắt buộc là phải tránh leo thang khu vực ở Trung Đông, tránh để Lebanon bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực" - ông Josep Borrel cho biết.

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 7/11 đã tới Beirut. Tại đây, Ngoại trưởng Đức cảnh báo tình trạng leo thang chiến sự hiện nay giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah có thể trở thành thảm họa cho cả hai nước.

"Chúng ta cần giảm căng thẳng từ mọi phía. Hezbollah phải rút khỏi đường phân giới hiện tại giữa Lebanon and Israel. Cuộc chiến ở Gaza không được lấy làm cái cớ để mở thêm một tiền tuyến và kích động một cuộc chiến tranh khu vực" - bà Annalena Baerbock nhận định.

Đức cũng cam kết khoản hỗ trợ 15 triệu Euro dành cho quân đội Lebanon tăng cường năng lực bảo vệ an ninh khu vực biên giới chung với Israel.

Đã 3 tháng xung đột bùng phát ở dải Gaza, khoảng 24.000 người đã thiệt mạng. Tình hình hiện tại cho thấy xung đột Israel - Hamas đang đánh dấu bước leo thang căng thẳng nguy hiểm mới. Tình hình này đòi hỏi các quốc gia có tiếng nói lớn trong khu vực phải có một cách tiếp cận khác đối với cuộc xung đột 3 tháng qua, nếu không muốn để những cuộc giao tranh tại Trung Đông tác động xấu hơn tới các mặt khác của đời sống toàn cầu, từ kinh tế tới địa chính trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước