Virus đậu mùa khỉ trong mụn nước ở người bệnh. Ảnh: BSIP
Cuộc họp được tổ chức khi mà các ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Nội dung cuộc họp WHO là thảo luận cách thức lây truyền của virus, tỷ lệ lây lan, tình hình xung quanh việc tiêm chủng.
Tính đến nay, đã có hơn 1.300 ca nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ và 58 ca tử vong hiện đã được báo cáo ở nhiều nước trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên ở khỉ, thường lây do tiếp xúc gần và hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi. Chính vì vậy, việc phát hiện nhiều ca bệnh ở châu Âu và các khu vực khác đang gây lo ngại.
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ hơn nhưng cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa và có thể gây sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết...
Vaccine đậu mùa có hiệu quả lên đến 85% trong việc ngăn chặn căn bệnh này. Ảnh chụp màn hình
Theo các chuyên gia y tế, bệnh này lây lan qua tiếp xúc gần trong thời gian dài, trong đó có cả tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp, chất dịch cơ thể hoặc vết loét của người bị bệnh. Các bằng chứng trên quy mô toàn cầu cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Theo WHO, vaccine đậu mùa có hiệu quả lên đến 85% trong việc ngăn chặn căn bệnh này.
Canada đã ngừng tiêm chủng cho người dân phòng bệnh đậu mùa vào năm 1972. WHO tuyên bố bệnh này đã bị xóa sổ trên toàn cầu vào năm 1979. Điều đó có nghĩa là những người trẻ tuổi có thể dễ bị bệnh đậu mùa khỉ hơn, vì mũi tiêm phòng đậu mùa không nằm trong lịch trình tiêm chủng của họ khi còn nhỏ.
Hiện, Anh đã bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!