Liệu căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc có leo thang thành xung đột toàn diện?

Long Nguyễn, Kim Huệ-Thứ năm, ngày 24/10/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Tình hình bán đảo Triền Tiên đã và đang trở thành tâm điểm khu vực, quốc tế trong suốt tuần qua.

Liên tiếp các động thái đẩy căng thẳng tăng cao, nguy cơ bùng phát cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên hiện hữu, đặt ra bài toán về hòa bình cho bán đảo này.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) vào ngày 16/10 thông báo Quốc hội nước này đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp với nội dung từ bỏ mục tiêu thống nhất quốc gia, đồng thời xác định Hàn Quốc là "quốc gia thù địch". Triều Tiên cũng tuyên bố rằng các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc thuộc biên giới phía Nam của Triều Tiên - biểu tượng của hợp tác liên Triều - đã bị cắt đứt hoàn toàn.

Về phần mình, Hàn Quốc đã tăng cường tiềm lực quân sự, thực hiện các biện pháp răn đe, đặt quân đội trong tình trạng báo động, tập trận chung hải quân với Mỹ tại vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên và công bố 11 khu vực nguy hiểm trên biên giới liên Triều.

Cộng đồng quốc tế đều mong muốn giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Sự kiềm chế của Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của các nước liên quan đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Liệu căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc có leo thang thành xung đột toàn diện? - Ảnh 1.

(Ảnh: IRIS)

Ông Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế - cho biết: "Trung Quốc có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong các cường quốc. Tiếp đó là Nga, cũng là một nước trong khu vực có biên giới chung với Triều Tiên. Mỹ cũng mong muốn một bán đảo Triều Tiên ổn định, không mong muốn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản không muốn chiến tranh xảy ra bên cạnh nước này".

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã luôn ở tình trạng giằng co với các động thái căng thẳng từ hai phía trong suốt 2 năm qua. Tiến trình đối thoại bế tắc, tăng cường sức mạnh quân sự là những động thái thường thấy từ cả hai bên. Quan hệ liên Triều đang rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu căng thẳng có leo thang thành xung đột toàn diện không là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Ông Nguyễn Vinh Quang nói: "Tôi nghĩ khả năng chiến tranh khó có thể xảy ra bởi các nước lớn, các tổ chức quốc tế đã tìm mọi cách để kìm hãm, không để xảy ra chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên".

Có thể thấy rằng bán đảo Triều Tiên vẫn luôn là một điểm nóng kéo dài suốt từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 đến nay. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh do chưa ký hiệp định hòa bình, Có thể thấy mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ không phải là một vấn đề đơn giản mà cần có sự hợp tác của rất nhiều bên.

Triều Tiên cắt đứt đường kết nối với Hàn Quốc, từ bỏ thống nhất hai miền Triều Tiên cắt đứt đường kết nối với Hàn Quốc, từ bỏ thống nhất hai miền Trung Quốc lên tiếng về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Trung Quốc lên tiếng về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Căng thẳng leo thang, Hàn Quốc bắn đáp trả cảnh cáo Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều Căng thẳng leo thang, Hàn Quốc bắn đáp trả cảnh cáo Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước