Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)
"Không ai có thể phủ nhận thực tế là thế giới đang đối mặt với một tình trạng khẩn cấp. Đó là lý do hôm nay, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu tại đất nước của mình, cho đến khi đạt được mục tiêu trung hòa carbon". Đây là lời kêu gọi đầy cấp thiết của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu với sự tham gia của hơn 70 nước trong ngày 12/12.
Theo Tổng Thư ký Guterres, các gói phục hồi kinh tế được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới cũng là cơ hội để các nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai carbon thấp. Tuy nhiên, ông đồng thời cảnh báo, quá trình diễn ra chưa đủ nhanh.
Ông Guterres cho biết, hơn 50% gói kích khích và giải cứu kinh tế hậu COVID-19 của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được sử dụng để chi cho các lĩnh vực liên quan đến khai thác và tiêu thụ năng lượng hóa thạch thay vì năng lượng sạch.
Nhà máy nhiệt điện than Dave Johnson ở Glenrock, Mỹ. (Ảnh: AP)
Theo ông Guterres, điều này là không thể chấp nhận được. Các nước cần hành động để thúc đẩy hành động ngăn Trái đất nóng lên, kéo theo những hậu quả thảm khốc.
Hiện đi tiên phong đã có Thủ tướng New Zealand Ardern. Đầu tháng 12/2020, bà Ardern đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" và khẳng định trước Quốc hội New Zealand rằng, cần hành động vì lợi ích của các thế hệ tương lai.
Trước thềm hội nghị, vào ngày 11/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, Chính phủ nước này sẽ chấm dứt tài trợ các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Ông công bố kế hoạch ngừng tài trợ các dự án mới về khai thác dầu thô, khí đốt và than đá ở nước ngoài "sớm nhất có thể".
Dự kiến, hơn 70 nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát biểu tại hội nghị trực tuyến này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!