Người tị nạn Rohingya tụ tập gần hàng rào ở Maung Daw, phía Bắc bang Rakhine, Myanmar, ngày 29/6/2018 (Ảnh: AP)
"Nền kinh tế của bang Rakhine đã ngừng hoạt động" - một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào cuối ngày 7/11 cho biết.
Báo cáo dự báo "tình trạng đói kém vào giữa năm 2025" nếu tình trạng mất an ninh lương thực hiện tại không được giải quyết ở bang phía Tây Myanmar giáp với Bangladesh này - nơi sinh sống của cộng đồng người Rohingya vô quốc tịch.
UNDP cho biết thêm rằng khoảng 2 triệu người ở bang này có nguy cơ chết đói.
Theo UNDP, sản lượng lúa gạo ở Rakhine đã giảm do thiếu hạt giống và phân bón, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng di dời của những người không còn khả năng canh tác.
"Rakhine đang đứng trên bờ vực của một thảm họa chưa từng có" - UNDP bình luận trong báo cáo của mình.
Khoảng 2 triệu người có nguy cơ chết đói ở Rakhine, Myanmar (Ảnh: WFP)
Báo cáo cho biết thêm rằng "Cùng với việc gần như ngừng hoàn toàn hoạt động thương mại, hơn 2 triệu người có nguy cơ chết đói"; "Nếu không có hành động khẩn cấp, 95% dân số sẽ quay trở lại chế độ đấu tranh để sinh tồn".
Các cơ quan viện trợ bao gồm Hội Chữ thập đỏ đã phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc đánh giá nhu cầu nhân đạo và cung cấp viện trợ do những hạn chế từ chính quyền quân sự Myanmar.
Đưa tin từ Bangkok (Thái Lan), phóng viên Tony Cheng của Al Jazeera cho biết khu vực này hiện chỉ có thể sản xuất 20% lượng lương thực cần thiết.
Số người phải di dời trong nước ở Rakhine đã tăng hơn 60% từ tháng 10/2023 đến tháng 8 năm nay, với hơn 500.000 người hiện hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ - theo UNDP.
Với hơn 3 triệu người phải di dời và phần lớn đất nước rơi vào hỗn loạn, viện trợ nhân đạo đã trở nên cấp thiết ở Myanmar.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!