Vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là bảo đảm hòa bình thế giới. (Ảnh: Reuters)
Việc tổ chức phiên họp thảo luận nghị quyết dự thảo nhằm yêu cầu các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an phải giải trình khi họ sử dụng tới quyền phủ quyết.
Đề xuất trên đưa ra được khoảng 50 nước công khai ủng hộ, theo dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sau một hoặc hai tuần tới.
Mỹ là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an duy nhất ủng hộ đề xuất này, trong khi 4 nước Ủy viên thường trực còn lại gồm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh chưa nêu quan điểm.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nhiều lần kêu gọi phát huy tối đa khả năng cũng như trách nhiệm và tính minh bạch của Hội đồng Bảo an trong việc đưa ra các quyết định.
Liechtenstein yêu cầu triệu tập một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 19/4 để thảo luận về dự thảo nghị quyết yêu cầu 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an giải thích mỗi khi sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Ý tưởng giảm bớt quyền lực của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã có từ lâu, nhưng lần này được khơi lại vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Là nước liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột, Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình khiến Hội đồng Bảo an không thể có hành động nào khi xung đột xảy ra giữa Moscow và Kiev.
Dự thảo đề xuất yêu cầu triệu tập 193 thành viên Đại hội đồng "trong vòng 10 ngày làm việc sau khi ít nhất một thành viên của Hội đồng Bảo an dùng quyền phủ quyết để giải thích việc sử dụng lá phiếu này".
Trong nhóm các nước đồng bảo trợ dự thảo nghị quyết lần này có Ukraine, Nhật Bản và Đức. Nhật và Đức lâu nay vẫn hy vọng trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nếu cơ quan này mở rộng. Chưa biết quan điểm của Anh, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay các nước cạnh tranh ghế ủy viên thường trực tiềm năng ra sao. Ngay cả khi không bảo trợ văn bản, Pháp sẽ vẫn bỏ phiếu thuận, một nhà ngoại giao tiết lộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!