Lệnh cấm xuất khẩu gạo tác động đến thị trường thế giới

Nguyễn Mai-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 11:55 GMT+7

VTV.vn - Gạo – hạt "ngọc trời", thứ lương thực quý giá đối với những quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước.


Ngày nay, không chỉ có các quốc gia phương Đông có truyền thống ăn cơm mới trân quý hạt gạo, mà ngay cả các quốc gia phương Tây cũng ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của loại lương thực này trong bữa ăn hàng ngày.

Việc Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tuyên bố cấm xuất khẩu gạo, cùng với đó là một số quốc gia khác cũng tạm ngừng xuất khẩu mặt hàng này để đảm bảo nguồn cung nội địa, đã khiến thị trường gạo thế giới bị tác động đáng kể.

Thế giới "sốc" khi cường quốc gạo cấm xuất khẩu gạo

Nhiều nước trên thế giới bất ngờ khi Tổng cục Ngoại thương Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 20/7.

Thị trường lương thực thế giới vốn đang chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và ảnh hưởng của El Nino, giờ đây lại hứng chịu thêm một cú sốc mới từ Ấn Độ với lệnh cấm này.

Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012 và hiện nước này xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia. Trong năm tài khóa 2022-2023, Ấn Độ chiếm hơn 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu 55,4 triệu tấn của thế giới khi đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 22,2 triệu tấn, nhiều hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của 4 nhà xuất khẩu lớn tiếp theo trên thế giới là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. Việc Ấn Độ có động thái thắt chặt xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tác động lên giá gạo toàn cầu và có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng lên cao hơn.

Tại sao chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Theo tờ Global News, chính phủ Ấn Độ cho hay quyết định này nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cũng như kiềm chế giá gạo ở thị trường nội địa. Bộ Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ cho biết, giá gạo bán lẻ ở Ấn Độ đã tăng 11,5% trong năm qua và 3% trong vòng một tháng qua.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới việc Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Đó là diện tích gieo trồng vụ Hè Thu, vụ quan trọng nhất của Ấn Độ giảm trong khi nhu cầu lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh trong 5 tháng qua.

Nông dân Ấn Độ trồng hai vụ lúa trong một năm. Vụ Hè Thu chiếm hơn 80% tổng sản lượng trong khi vụ Đông Xuân chủ yếu được trồng ở các bang miền Trung và miền Nam. Tây Bengal, Uttar Pradesh, Andhra Pradesh, Punjab, Odisha và Chattisgarh là những vựa lúa gạo chính của Ấn Độ.

Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đến ngày 10/7/2023 là 7,059 triệu hecta lúa, giảm 15,81% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, diện tích trồng lúa của Ấn Độ giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do mùa mưa đến chậm hơn và lượng mưa thấp hơn ở một số bang miền Nam, miền Đông và miền Trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động gieo trồng vụ Hè Thu.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ảnh hưởng tới hàng chục triệu người trên thế giới

Ngân hàng Barclays của Anh cho biết Malaysia dường như là nước dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc nhiều vào gạo của Ấn Độ. Malaysia chủ yếu nhập khẩu gạo từ nước ngoài, trong đó gạo Ấn Độ chiếm phần tương đối lớn.

Còn theo trang tin Channel News Asia, Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng do các loại gạo Ấn Độ khác không phải là gạo trắng bastima chiếm khoảng 17% lượng gạo nhập khẩu. Các nhà phân tích của Barclays cho biết Singapore đang đề nghị Ấn Độ miễn trừ nước này khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Theo bộ phận nghiên cứu BMI thuộc công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, các thị trường dễ bị ảnh hưởng còn có khu vực sa mạc Sahara châu Phi và khu vực Trung Đông-Bắc Phi, đặc biệt là ở Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait.

Các quốc gia khác cũng cấm xuất khẩu gạo

Sau thông báo cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga đã thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.

Trang Telegram của Chính phủ Nga nêu rõ:

"Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023 và quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa".

Nước Nga vốn nổi tiếng với lúa mì, nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía Tây Nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Gruzia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền Đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và cấm tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28/7 và kéo dài 4 tháng, áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn, trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này. Hiện UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước.

Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nên một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức của nước này đã tác động mạnh tới giá gạo trên thị trường toàn cầu cũng như tâm lý của các tổ chức và quốc gia xuất nhập khẩu gạo.

Trước đây, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người. Tuy nhiên, những biến động nguồn cung lúa mỳ kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến nhiều người chuyển từ lúa mỳ sang tiêu thụ gạo, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông. Thế nhưng, gạo nhiều khả năng phải đối mặt với nỗi lo khan hiếm, thậm chí sản lượng còn thấp hơn cả lúa mỳ, do 90% loại lúa này được sản xuất ở châu Á, một trong những nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi El Nino với hệ quả là lượng mưa thấp hơn bình thường.

Theo Business Insider, nhiều chuyên gia nhận định lệnh cấm xuất khẩu đột ngột sẽ tác động mạnh tới người mua, do chưa thể tìm được nguồn thay thế và những người mua ở châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi họ phụ thuộc nhiều vào nguồn gạo của Ấn Độ. Bên cạnh đó, những nhà xuất khẩu khác trên thế giới cũng sẽ phải đau đầu vì không có đủ gạo dự trữ trong kho để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khi thiếu vắng gạo Ấn Độ, theo đó đẩy giá gạo lên cao.

Ảnh hưởng của lệnh cấm sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và việc Nga mới đây quyết định không gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Hơn nữa, hiện tượng El Nino có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác lúa gạo của nhiều quốc gia, làm giảm sản lượng gạo toàn cầu, theo đó đẩy giá gạo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giới chuyên gia dự đoán lệnh cấm này có thể sẽ được duy trì tới sau tháng 11,12 – thời điểm Ấn Độ thu hoạch vụ lúa chính trong năm. Tuy nhiên, Ấn Độ vừa phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục và sau đó lại là mưa lụt kỷ lục trong những tháng nửa đầu năm nay, khiến cho diện tích canh tác không đạt được như năm ngoái.

Có thể nói, thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiệm trọng do thiếu nguồn cung lúa gạo. Do đó, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung gạo Ấn Độ cần theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả trên thị trường thế giới và tìm nguồn thay thể để thu mua dự trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mình.

Tham khảo: Reuters, CNN, CNA, Globaltimes

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước