Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần tại Indonesia gặp thách thức

Nhật Anh-Thứ tư, ngày 04/12/2024 20:55 GMT+7

VTV.vn - Indonesia đặt mục tiêu cấm đồ nhựa dùng một lần vào năm 2029, nhưng thách thức trong thay đổi thói quen tiêu dùng và quản lý rác thải vẫn còn rất lớn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm Indonesia thải ra ít nhất 3,2 triệu tấn rác thải nhựa không được tái chế, trong đó thủ đô Jakarta là điểm nóng với bãi chôn lấp lớn nhất Đông Nam Á, tiếp nhận tới 8.000 tấn rác mỗi ngày. Trước thực trạng này, Indonesia đặt mục tiêu cấm hoàn toàn các sản phẩm nhựa dùng một lần vào cuối năm 2029.

Dù lệnh cấm còn 5 năm nữa mới có hiệu lực, nhưng tại các khu chợ đông đúc ở Jakarta, nhiều tiểu thương vẫn lo ngại về việc tìm kiếm giải pháp thay thế túi nylon. Anh Hadis, một nhân viên cửa hàng bán lẻ tại Indonesia, cho biết túi nylon rẻ và tiện dụng hơn so với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần tại Indonesia gặp thách thức  - Ảnh 1.

Một người đàn ông đi dọc theo một con kênh bị ô nhiễm bởi nhựa và các loại rác thải khác tại một khu dân cư thu nhập thấp ở Jakarta, Indonesia, ngày 26/11/ 2024. (Ảnh: AP)

Sự tiện lợi của nhựa lại là mối đe dọa lớn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo Liên minh Zero Waste Indonesia, chỉ 9% rác thải nhựa tại quốc gia này được tái chế, phần lớn còn lại gây ô nhiễm các bãi rác, sông ngòi và đại dương.

Chính phủ Indonesia đã có những bước đi nhằm giảm rác thải nhựa, như áp dụng phí túi nylon tại các cửa hàng bán lẻ từ năm 2016. Một số địa phương như Bali và Jakarta đã cấm túi nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc xử lý rác thải nhựa cần đi đôi với cải thiện hệ thống phân loại và tái chế, thay vì chỉ dựa vào lệnh cấm.

Lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần tại Indonesia gặp thách thức  - Ảnh 2.

Người lái xe đi ngang qua đống rác chất cao, phần lớn là nhựa, bên lề đường ở Jakarta, Indonesia, ngày 26/11/ 2024. (Ảnh: AP)

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết, từ năm 2029, quốc gia này sẽ chính thức cấm đồ nhựa dùng một lần và yêu cầu các nhà sản xuất giảm 30% sử dụng bao bì nhựa.

Trong bối cảnh hiện nay, việc từ bỏ đồ nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà còn là cách giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, như ung thư, rối loạn nội tiết tố và các vấn đề khác liên quan đến vật liệu nhựa...

Rác thải nhựa gây tắc nghẽn đập thủy điện ở CHDC Congo Rác thải nhựa gây tắc nghẽn đập thủy điện ở CHDC Congo Rác thải nhựa trên thế giới tăng nhanh, đe dọa sức khỏe con người Rác thải nhựa trên thế giới tăng nhanh, đe dọa sức khỏe con người Malaysia đối mặt với áp lực từ lượng rác thải nhựa tăng cao Malaysia đối mặt với áp lực từ lượng rác thải nhựa tăng cao

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước