Lãnh đạo các nước châu Âu thảo luận về tăng khả năng phòng thủ

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 30/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong số 5 nhóm vấn đề, lãnh đạo châu Âu sẽ thảo luận về chiến lược phòng thủ quốc phòng trong tình hình mới.

Thượng đỉnh châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về những cam kết an ninh trong tương lai mà khối có thể cung cấp, nhằm bảo đảm an toàn cho chính châu Âu. Lãnh đạo các nước châu Âu sẽ đánh giá tiến độ đạt được trong việc thực hiện các kết luận trước đó, bao gồm các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ cũng như xác định một loạt hành động chặt chẽ nhằm giúp bảo vệ lợi ích của Liên minh châu Âu và công dân châu Âu.

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa: "Trong khủng hoảng mà có sẵn công cụ rồi thì dễ xử lý khủng hoảng hơn. Chúng ta phải ngăn chặn không để khủng hoảng tái diễn, và phải đảm bảo giữ ổn định những gì đang vận hành tốt".

Tiến trình hơn một năm thực thi chiến lược an ninh mang tên "La bàn chiến lược" cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh. Chiến lược an ninh mới đã được thống nhất hồi tháng ba năm ngoái, dựa trên 4 trụ cột: triển khai quân cấp tốc tới nơi cần, dự đoán sớm nguy cơ để quản trị khủng hoảng, tăng chi tiêu quốc phòng và đẩy mạnh hợp tác quân sự. Trước khi khai mạc thượng đỉnh, lãnh đạo cao cấp nhất Liên minh châu Âu đã dành hơn một tiếng thảo luận riêng với ông Tổng thư ký NATO.

Lãnh đạo các nước châu Âu thảo luận về tăng khả năng phòng thủ - Ảnh 1.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu: "Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của Liên minh châu Âu. Tôi hoàn toàn tin rằng bằng cách tăng cường sức mạnh của Liên minh châu Âu, chúng tôi cũng củng cố sức mạnh của NATO".

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO: "Chúng tôi có một lực lượng đặc nhiệm chung và chúng ta có thể tăng cường hơn nữa những gì Liên minh châu Âu và NATO đang phối hợp để bảo vệ hạ tầng năng lượng, hạ tầng giao thông, và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác".

Liên minh châu Âu quyết tâm đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính mình và tăng cường khả năng hành động tự chủ, nhưng tất nhiên là vẫn tận dụng quan hệ với NATO. Lãnh đạo châu Âu trong 2 ngày họp tại đây sẽ thảo luận chi tiết hơn về phối hợp, cùng nhau mua sắm khí tài, sản xuất vũ khí và đầu tư hạ tầng phòng thủ.

Chiến lược phòng thủ quốc phòng của châu Âu

"La bàn chiến lược" thể hiện bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh quốc phòng của Liên minh châu Âu, bao gồm liên tục phân tích các mối đe dọa và từ đó thực thi kế hoạch hành động tương ứng với một mối đe dọa cụ thể. Chiến lược này dựa trên 4 trụ cột hành động. Thứ nhất là khả năng chuyển quân cấp tốc, thứ hai là quản trị khủng hoảng, bảo vệ hạ tầng kể cả hạ tầng tin học; thứ ba là đầu tư thêm 70 tỷ euro trong hai năm tới cho quốc phòng, củng cố cơ chế quỹ quốc phòng chung châu Âu, mua chung khí tài; và cuối cùng là tăng hợp tác quốc phòng với NATO và các nước khác. "La bàn chiến lược" là cách các nước châu Âu đối phó với bối cảnh mới tại châu Âu kể từ hơn một năm trở lại đây.

Lãnh đạo các nước châu Âu thảo luận về tăng khả năng phòng thủ - Ảnh 2.

Các nước châu Âu mong muốn tăng cường tự chủ về công nghiệp quốc phòng, xây dựng hạ tầng công nghiệp và công nghệ quốc phòng châu Âu cạnh tranh và hiệu quả hơn. Để có nguồn lực, thì châu Âu đã tạo lập Cơ quan chuyên trách mua sắm quốc phòng chung, có nhiệm vụ điều phối các nhu cầu mua sắm ngắn hạn của các quốc gia thành viên và làm việc với các tổ hợp công nghiệp - quân sự của châu Âu để hỗ trợ việc mua sắm chung. Liên minh châu Âu có những quỹ tài trợ và Cơ quan chuyên trách mua sắm quốc phòng cũng phải đảm bảo rằng công quỹ châu Âu sẽ chỉ tài trợ cho các kế hoạch sản xuất vũ khí, nếu giá trị tổng linh kiện sản xuất tại châu Âu và tại các quốc gia liên kết phải đạt được ít nhất 70%.

Sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch "La bàn Chiến lược", cùng với những thách thức mới với an ninh châu Âu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giới phân tích cho rằng EU đã nhận được nhiều bài học về tính cấp thiết, nhu cầu đầu tư quốc phòng cũng như việc tăng cường công nghệ quốc phòng. Tuy nhiên, khả năng tự chủ chiến lược của EU vẫn sẽ là một câu chuyện dài, bởi EU vừa phải duy trì quan điểm tự chủ chiến lược, song vẫn phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ về vấn đề an ninh, quốc phòng và coi Washington là đối tác quan trọng trong đảm bảo an ninh khu vực. Năm 2023 được nhận định sẽ là một "ngã tư" đối với kế hoạch tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước