Làn sóng “về nhà đi” phản đối khách du lịch tại nhiều quốc gia

VTV Digital-Thứ năm, ngày 11/07/2024 18:32 GMT+7

VTV.vn - Quá tải du lịch khiến người dân tại các địa danh du lịch có những hành vi quá khích… để "tiễn khách".

KHI NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG CHỊU SỨC ÉP LỚN TỪ DU LỊCH

Những hình ảnh ghi lại tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha cho thấy người dân xuống đường biểu tình và xịt nước vào khách du lịch để phản đối "du lịch quá tải", khiến giá thuê nhà cũng như hàng tiêu dùng tăng cao. Các khẩu hiệu như: "Khách du lịch hãy rời khỏi thành phố của chúng tôi", "Barcelona không phải để kinh doanh" đã được dựng lên khi người dân địa phương giận dữ tập trung tại các điểm tham quan đông người. Hiện tại, Barcelona là thành phố được ghé thăm nhiều nhất của Tây Ban Nha với 12 triệu người mỗi năm, trong khi dân số tại đây chỉ khoảng 2 triệu người.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên người dân tại châu Âu thể hiện sự bực tức, phẫn nộ, thậm chí có những hành động quyết liệt để gần như là nói không với du khách. Ở nhiều điểm đến nổi tiếng trên khắp châu Âu đã xuất hiện phong trào phản đối quá tải du lịch.

Mùa hè đến cũng là lúc những điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng như quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha tấp nập chuẩn bị đón lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đây có lẽ là tín hiệu tích cực với ngành du lịch địa phương nhưng với người dân nơi đây thì không mấy vui vẻ.

Làn sóng “về nhà đi” phản đối khách du lịch tại nhiều quốc gia - Ảnh 1.

Hai du khách bị người dân Barcelona xịt nước khi đang dùng bữa (Ảnh: AFP)

Chị Ines Marrero (người dân Tây Ban Nha) bức xúc: "Nơi đây hiện đã quá đông đúc rồi, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Chúng tôi cũng đấu tranh để không phải trả tiền thuê nhà quá đắt đỏ, mặc dù đang sống tại chính quê hương của mình".

Ông Jordi Guiu (chuyên gia xã hội học) cho rằng: "Tôi không phản đối du lịch, nhưng chúng tôi đang phải gánh chịu tình trạng dư thừa du khách khiến thành phố dường như không thể thở được".

Cụm từ "quá tải du lịch" được nhiều người nhắc đến trong mùa hè này. Thông thường, quá tải du lịch thường bắt nguồn từ việc khách du lịch tăng đột biến theo mùa hoặc trong các dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, đối với những địa điểm quá nổi tiếng như quần đảo Canary hay thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha, Venice ở Italy, thủ đô Paris ở Pháp…, việc quá tải du lịch diễn ra thường xuyên và gần như quanh năm khiến các cư dân ở đây mệt mỏi.

Đơn cử như thành phố Venice (Italy) đón trung bình khoảng 30 triệu lượt du khách một năm, trong khi dân số ở đây rơi vào khoảng xấp xỉ 50.000 người, gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng. Việc "gồng mình" đón lượng du khách quá đông khiến người dân phải phản ứng.

Anh Phạm Hùng Vương (Nghiên cứu viên Trung Tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Địa Trung Hải (CMCC), Italy) cho biết: "Ở Venice có 2 cảng nước sâu để đón du thuyền vào Venice. Do quá tải nên người dân Venice đình công không cho tàu lớn vào đảo, mà chỉ được ở đất liền. Rồi nếu muốn thì khách phải tự đi bus hoặc đi phương tiện khác vào đảo. Một số bến tàu thủy dành cho phương tiện công cộng đã được đưa ra xa những điểm đông đúc, khách du lịch phải đi bến xa và không được đi chung với người dân địa phương".

Khi lượng du khách đông đảo quay trở lại Venice sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, trải nghiệm du lịch tại đây cũng vì thế mà kém dễ chịu hơn. Điều này buộc chính quyền sở tại phải nỗ lực giảm tình trạng quá tải du lịch.

Anh Phạm Hùng Vương cho rằng, việc bán vé tham quan là một biện pháp quan trọng nhằm cải thiện việc quản lý các nhóm, thúc đẩy du lịch bền vững và đảm bảo an ninh thành phố.

VÌ SAO CÓ LÀN SÓNG NÓI KHÔNG VỚI KHÁCH DU LỊCH?

Người dân một số thành phố châu Âu, nơi có quá nhiều khách du lịch phản ứng rất mạnh trước tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân chất lượng cuộc sống của họ đi xuống: giao thông quá tải, ồn ào thái quá, rác thải nhiều thêm, thực phẩm đồ dùng hàng ngày đắt đỏ hơn… Các cửa hàng và chợ búa phục vụ người dân bản địa giảm dần, cửa hàng lưu niệm hay quán xá cho khách du lịch nhiều thêm, do bán hàng cho du khách lợi nhuận nhiều hơn hẳn.

Bất cứ nơi nào có nhiều khách du lịch, việc tìm thuê nhà dài hạn ở nơi đó lại khó khăn và tốn kém hơn. Nhiều người cảm thấy khó chịu khi cuộc sống bình yên xưa kia không còn nữa, chưa kể cảnh quan hay sinh thái còn bị biến đổi cho phù hợp với nhu cầu của du khách hơn là nhu cầu của dân địa phương.

Nếu khách du lịch tới nhiều đồng nghĩa với việc cải thiện cuộc sống của người dân bản địa thì có lẽ việc phản đối sẽ khó xảy ra, kể cả khi phải chịu đựng một số điều khó chịu. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận từ du lịch vào tay các công ty du lịch, các nhà đầu tư từ nơi khác tới xây khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, cung cấp dịch vụ vận chuyển hay giải trí cho du khách, phần quay về với địa phương không đáng kể.

Người dân không cảm nhận được dòng tiền từ ngành du lịch cải thiện môi trường sống của họ, ví dụ như có thêm công viên khoảng xanh cho dân địa phương, có thêm không gian cho trẻ em bản địa chơi thể thao…

NHIỀU NƯỚC CHÂU ÂU RA GIẢI PHÁP QUẢN LÝ KHÁCH DU LỊCH

Để có thể cân bằng hài hòa giữa kinh tế và quyền lợi của người dân, nhiều nước châu Âu đã áp dụng nhiều biện pháp để phần nào quản lý làn sóng khách du lịch hiệu quả hơn.

Tại Italy, thị trấn Cinque Terre nằm cheo leo bên bờ Địa Trung Hải có biện pháp rất sáng tạo. Từ năm 2019, chính quyền địa phương cấm đi dép xỏ ngón - vốn được du khách khá yêu thích. Quy định này nhằm giảm bớt lòng hăm hở của du khách đến thị trấn và quan trọng hơn là ngăn chặn những tai nạn trượt ngã nguy hiểm. Nếu vi phạm, du khách phải nộp phạt lên tới 2.500 Euro, tương đương 68 triệu VND.

Làn sóng “về nhà đi” phản đối khách du lịch tại nhiều quốc gia - Ảnh 2.

Nhật Bản dựng rào chắn để hạn chế khách chụp ảnh núi Phú Sĩ (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, thủ đô Amsterdam của Hà Lan có kế hoạch cấm tàu du lịch chạy trên sông tại khu vực trung tâm thành phố để đối phó với tình trạng quá tải du lịch. Trước mắt, thành phố sẽ giảm phân nửa số tàu du lịch trong năm 2026, và đến năm 2035 sẽ cấm hẳn tàu du lịch vào thủ đô. Các bến du thuyền sẽ được di dời ra bên ngoài trung tâm thành phố.

Anh Aaron Van Gent (Người dân Amsterdam, Hà Lan) nói: "Tôi thấy đúng là Amsterdam giờ bị quá tải du lịch thật. Vậy nên nếu có thể hạn chế thì cũng tốt. Làm vậy cũng là một cách bảo vệ môi trường".

Còn tại thành phố Marseille, Pháp, Vườn quốc gia Calanques lại áp dụng hệ thống đặt chỗ, giới hạn tối đa 400 du khách tham quan mỗi ngày vào mùa hè. So với thời điểm trước năm 2022, lúc nào vườn quốc gia này cũng có tới 2.500 du khách, con số hiện tại đã giảm đáng kể.

Phát triển du lịch là điều mà nhiều nước trên thế giới mong muốn nhưng có lẽ cái gì quá cũng không tốt. Chính vì vậy, nhiều địa phương cực chẳng đã phải đưa ra các biện pháp hạn chế du lịch.

DU LỊCH BỀN VỮNG - GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG QUÁ TẢI DU LỊCH?

Việc áp đặt các biện pháp hạn chế du lịch như thu phí, hạn chế số khách hay tạm thời đóng cửa các điểm tham quan vẫn chỉ là những giải pháp tình thế bởi trên thực tế, lượng du khách đã sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm du lịch đáng nhớ vẫn rất lớn.

Giờ đây, cũng xuất hiện một xu hướng mới là du lịch bền vững. Trong báo cáo mới nhất về xu hướng du lịch do nền tảng Booking.com tiến hành, có hơn 60% người tham gia khảo sát hưởng ứng xu thế này.

Đây được xem là sự lựa chọn lý tưởng cho những bạn trẻ thích những không gian vắng vẻ, ngắt kết nối với thiết bị công nghệ để có thời gian hòa mình vào thiên nhiên và nhìn sâu vào bên trong mình hơn để có những trải nghiệm sâu sắc.

Với du lịch bền vững, khách sẽ tránh xa các địa điểm du lịch đông đúc, đề cao vấn đề trải nghiệm cá nhân thay vì tham quan ồ ạt; lựa chọn mùa du lịch thấp điểm để tăng cường sự riêng tư. Xu hướng này cũng khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước