Trong những ngày qua, bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đã được mô tả như "bãi chiến trường” khi khu vực này bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ tấn công gồm các vụ phóng hỏa và kể cả đánh bom. Đám đông gồm hàng nghìn người đã mang theo những quả bom tự tạo, gạch đá đụng độ với cảnh sát và quan chức chính quyền. Hơn 1.300 cảnh sát Ấn Độ đã được triển khai nhưng vẫn không thể ngăn chặn được các hành động bạo lực.
Làn sóng bạo loạn tại đây cho tới nay đã khiến 1 người thiệt mạng và hơn 270 người bị thương, bao gồm cả những cảnh sát tham gia bảo vệ an ninh. Ngoài ra, hơn 3.000 người đã bị bắt hoặc bị giam giữ. Nguyên nhân châm ngòi cho sự phẫn nộ chưa từng thấy của những người biểu tình tại bang Kerala là do 2 phụ nữ Ấn Độ, được cho là ở tuổi 42 và 44 tuổi, danh tính không được tiết lộ vì sự an toàn tính mạng, đã can đảm phá vỡ một lệnh cấm từ hàng thế kỷ nay để bước chân vào ngôi đền thiêng Hindu hơn 800 năm tuổi. Họ đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên bước chân vào đền Sabarimala.
Các nhà hoạt động nữ quyền tại Ấn Độ đã lên tiếng ca ngợi việc 2 phụ nữ đặt chân vào ngôi đền thiêng Sabarimala. Cùng với dấu mốc đáng chú ý về bình đẳng này, đầu năm 2019, khoảng 5 triệu phụ nữ ở đủ mọi lửa tuổi và đến từ mọi giai tầng trên khắp đất nước Ấn Độ đã cùng nhau tập hợp về bang Kerala để nắm tay tạo thành hàng người dài tới 620km. Truyền thông quốc tế gọi đây là “bức tường sống” đòi bình đẳng giới ở xứ sở sông Hằng. Nhiều trường học tại bang Kerala đã cho học sinh nghỉ buổi sáng, thậm chí lùi lại cả kỳ thi kiểm tra cấp đại học để sinh viên, học sinh có thể tham gia sự kiện đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và đấu tranh chống bạo lực này.
Sự kiện xếp hàng diễn ra chỉ trong 15 phút nhưng những hình ảnh mang tính biểu tượng về “bức tường sống” đòi quyền bình đẳng này dường như đã tiếp thêm sức mạnh và mang lại niềm khích lệ lớn lao cho phụ nữ tại Ấn Độ giữa làn sóng đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho nữ giới đang bùng nổ mạnh mẽ ở nước này.
Bất bình đẳng giới là một vấn đề nóng không chỉ riêng tại Ấn Độ. Tại một số quốc gia Hồi giáo bảo thủ ở Trung Đông, quyền phụ nữ vẫn là một ước mơ xa vời. Điều đó thể hiện qua những luật lệ cấm kỵ khó hiểu dành cho phụ nữ. Tuy vậy, trong những năm gần đây, cuộc chiến giành tự chủ của phụ nữ tại khu vực này đã bắt đầu nhen nhóm và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!