Làn sóng di cư vào Italy có nguy cơ mất kiểm soát

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 20/09/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Từ hơn một tuần nay, Italy đã phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tiếp nhận người di cư. Điều này một lần nữa lại nóng lên cuộc tranh luận về phân bổ người tị nạn.

Dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ về hòn đảo Lampedusa ở miền Nam Italy. Đây là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của những người di cư băng qua Địa Trung Hải để vào châu Âu. Trung tâm tiếp nhận người di cư trên đảo chỉ có sức chứa khoảng 400 người, nhưng lại có hàng nghìn người đang tạm trú. Tình trạng quá tải đang gây ra nhiều khó khăn.

Người di cư quốc tịch Tunisia nói: "Chẳng có gì để ăn hay uống, tôi còn chẳng có chỗ để ngủ".

Chị Giovanna Di Benedetto - Người phát ngôn của Tổ chức "Save the Children" cho biết: "Rất khó khăn đối với toàn bộ hệ thống. Những tổ chức đang có mặt trên đảo như chúng tôi dù vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Thật khó để tổ chức ngay cả những hoạt động đơn giản, như phân phát nhu yếu phẩm".

Làn sóng di cư vào Italy có nguy cơ mất kiểm soát - Ảnh 1.

Theo ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại: "Về vấn đề di cư, tôi hiểu áp lực to lớn mà Italy đang phải đối mặt những ngày qua trước số lượng lớn người di cư tới Lampedusa. Đây là mối lo ngại với tất cả các nước chứ không chỉ với Italy. Chúng ta phải tiếp tục phối hợp để tránh việc người di cư đổ ra biển, mạo hiểm tính mạng và vượt trái phép qua biên giới của Liên minh châu Âu, gây ra nhiều vấn đề cho các nước tiếp nhận".

Ngày 19/9, Chính phủ Italy đã đưa ra gói biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn người nhập cư. Italy quyết định kéo dài thời gian giam giữ người di cư chờ hồi hương từ mức 3 tháng hiện nay lên đến 18 tháng. Nước này cũng sẽ phê duyệt việc xây thêm các trung tâm giam giữ ở các khu vực cách ly.

Theo luật pháp Italy, người di cư phải hồi hương, nếu không thể bị trục xuất ngay lập tức, có thể bị giam giữ. Nhưng những nỗ lực trước đây để giữ người di cư cũng đã hầu như thất bại, khi những người bị giam giữ liên tục trốn khỏi trung tâm và hướng đến các nước châu Âu giàu có hơn ở phía Bắc của Italy.

Làn sóng di cư vào Italy có nguy cơ mất kiểm soát - Ảnh 2.

Trước đó, hôm chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Giorgia Meloni đã kêu gọi EU chia sẻ trách nhiệm, tìm giải pháp về người di cư tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong chuyến thị sát chung tới đảo Lampedusa. Bà Meloni kêu gọi EU giúp ngăn chặn người di cư vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi và nếu cần thiết có thể triển khai hải quân để ngăn chặn các tàu thuyền của người di cư trái phép.

Phản ứng trước gói biện pháp mới của Italy

Tình hình tại Italy cho thấy, làn sóng người di cư đang có nguy cơ trở nên mất kiểm soát, đặt ra những thách thức chung cho các nước EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố hỗ trợ Italy giải quyết tình trạng khẩn cập hiện nay, bằng cách tăng cường tuần tra biển, đồng thời đề nghị các nước châu Âu khác tiếp nhận và phân loại để hồi hương những người không đủ điều kiện tị nạn.

Ba Lan cũng như Hungary đã khẳng định không tham gia, Bỉ thì cho biết, hiện nay phải tạm dừng tiếp nhận người mới với lý do vẫn đang phải xử lý hồ sơ của quá nhiều người tị nạn. Chỉ có Pháp và Đức là đã có những hành động cụ thể: Pháp lập trại tạm cư sát biên giới Italy và dự kiến sẽ nhận vài trăm người, ngoài ra Đức cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người mới nhập cư trái phép vào Italy nhằm giảm tải cho nước này.

Làn sóng di cư vào Italy có nguy cơ mất kiểm soát - Ảnh 3.

Giải pháp dài hạn cho vấn đề người di cư

Ủy ban châu Âu không có thẩm quyền phân bổ người tị nạn, nhận hay không và nhận bao nhiêu là thẩm quyền quốc gia. Ủy ban châu Âu đang soạn thảo một hiệp ước, theo đó nếu nước nào từ chối tiếp nhận người đủ điều kiện tị nạn thì với mỗi người bị từ chối, nước đó phải đóng góp 20.000 euro vào quỹ chung sẽ được dùng để hỗ trợ các nước khác. Hiệp ước đó sẽ được bàn thảo trong Thượng đỉnh châu Âu đầu tháng sau tại Tây Ban Nha.

Về dài hạn, phía châu Âu muốn nhân rộng mô hình đã ký với Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, viện trợ cải thiện đời sống người dân bản địa, ngăn chặn người từ nước khác xâm nhập Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ lực lượng tuần duyên địa phương ngăn cản tàu thuyền chở người tị nạn ra khơi.

Không chỉ là vấn đề riêng của châu Âu, di cư bất hợp pháp còn đang gây ra những hệ lụy lớn ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó cái giá đắt nhất chính là mạng sống con người. Hoạt động di cư không được kiếm soát tốt cũng có thể làm gia tăng chia rẽ trong xã hội. Đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết và cần sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước