Tại biên giới Ba Lan, những người di cư từ Syria là Anas Kanaan, 34 tuổi và Mouein al-Hadi, 36 tuổi, đã bị những kẻ buôn lậu lừa rằng họ có thể dễ dàng đến Đức từ Belarus. Họ chỉ phải trả mỗi người 3.000 euro, tức khoảng 76 triệu VNĐ cho một người trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng các tuyến đường an toàn từ Belarus đến Ba Lan do những kẻ buôn lậu chỉ ra đã bị đóng cửa. Sau hơn một tuần dựng lều tạm trong khu rừng băng giá ở biên giới, một kẻ buôn lậu đã dẫn họ đến ngôi làng Ba Lan, đẩy họ vào tình thế dễ dàng bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ và đưa về Belarus.
Mouein Al-hadi - Người di cư Syria nói: "Lúc đầu có khoảng 13 người nhưng chúng tôi đã bị chia cắt. Bọn buôn người giữ hộ chiếu của tôi, tôi không còn bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh nhân thân nữa, tôi chỉ có một tấm ảnh chụp lại hộ chiếu thôi".
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp một lần nữa bị lực lượng biên phòng Ba Lan tiếp nhận và đưa đến trung tâm tị nạn tạm thời để chờ hồi hương.
Bà Marysia Zlonkiewicz - Tổ chức từ thiện "With Bread and Salt" của Ba Lan cho biết: "Ngày càng nhiều người nhận ra rằng họ đã bị dẫn vào một cái bẫy và những gì họ được hứa là dối trá, nhiều người trong số này không còn đường để quay về. Chuyến đi cũng rất tốn kém và thường các gia đình phải bán hết tài sản và lâm vào cảnh nợ nần".
Cảnh sát Ba Lan cho biết, khoảng 314 kẻ buôn người đã bị bắt giữ kể từ tháng 8, thế nhưng chân rết của đường dây đưa người vào châu Âu bất hợp pháp vẫn còn tồn tại. Trong nhiều năm khách du lịch có thể tự do đi lại giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - một vùng đệm được gọi là vùng xanh an toàn, được kiểm soát bởi Liên Hợp Quốc, đã trở thanh nơi để những người di cư lánh nạn.
Pháp kêu gọi Anh mở tuyến đường di cư hợp pháp
Pháp ngày 29/11 đã hối thúc Anh mở một tuyến đường di cư hợp pháp cho những người tị nạn nhằm ngăn họ liều mạng đi thuyền qua khu vực eo biển Manche để tới Anh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp - ông Darmanin, việc thiết lập một tuyến đường di cư hợp pháp là cần thiết bởi vào thời điểm hiện tại, bất kỳ ai muốn đăng ký xin tị nạn đều buộc phải đi qua eo biển trên.
Trước đó, giới chức Pháp đã đề nghị các quan chức di trú Anh giải quyết các đơn xin tị nạn tại miền Bắc nước Pháp cho những người di cư đang cắm trại quanh các cảng chính của Pháp.
Từ đầu năm đến nay, khoảng 26 nghìn người di cư đã cố vượt qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Năm ngoái, Pháp đã nhận được 80 nghìn đơn xin tị nạn, trong khi con số này tại Anh là 27 nghìn đơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!