Làm sao để phóng viên tác nghiệp an toàn tại các cuộc biểu tình, bạo động?

Trường Sơn - Công Tùng - Phi Hùng-Thứ tư, ngày 03/06/2020 21:39 GMT+7

VTV.vn - Theo phóng viên Trường Sơn, thường trú Đài THVN tại Mỹ, nguy hiểm và rủi ro cao là thứ luôn rình rập đợi chờ phóng viên khi tác nghiệp tại các cuộc biểu tình, bạo động.

Trong những ngày qua, các tổ chức theo dõi tình trạng bạo lực đối với báo chí đã ghi nhận gần 100 tình huống gây khó khăn, nguy hiểm, quấy rối các nhà báo, phóng viên khi họ đang tác nghiệp, đưa tin về các vấn đề xung quanh biểu tình bạo động tại Mỹ.

Điều này cho thấy sự gian nan, hy sinh mà các nhà báo, phóng viên phải đối mặt khi truyền tải thông tin tới khán giả trong bối cảnh bạo động. Do đó, việc tính toán kỹ lưỡng khi tác nghiệp trong các hoàn cảnh như thế là điều rất cần thiết.

Theo phóng viên Trường Sơn, thường trú Đài THVN tại Mỹ, nguy hiểm và rủi ro cao là thứ luôn đợi các phóng viên tại các cuộc biểu tình, bạo động.

"Tác nghiệp giữa chỗ hỗn loạn như thế thì rất dễ bị tấn công từ bất cứ đâu. Người biểu tình, nhất là đối tượng quá khích, thường không muốn bị quay phim, chụp hình nên thường nổi khùng và tấn công phóng viên khi thấy máy quay chĩa vào mình. Rồi cảnh sát thì cũng không phải lúc nào cũng phân biệt được đâu là phóng viên trong đám đông hỗn loạn. Tối hôm kia, ngay trước cửa Nhà Trắng, đã có phóng viên bị cảnh sát tấn công trấn áp nhầm khi đang tác nghiệp" - phóng viên Trường Sơn chia sẻ.

Làm sao để phóng viên tác nghiệp an toàn tại các cuộc biểu tình, bạo động? - Ảnh 1.

Phóng viên Trường Sơn thường trú Đài THVN tại Mỹ

Phóng viên thường trú của Đài THVN đưa ra lời khuyên rằng, các nhà báo, phóng viên nên tránh đối đầu hay tiếp xúc trực tiếp với những nhóm người quá khích khi tác nghiệp, nên đứng ở gần cảnh sát nhất có thể. Các nhà báo, phóng viên cũng cần cố gắng để cảnh sát hiểu mình là phóng viên đang tác nghiệp bởi dù sao cảnh sát cũng có ít nhiều ưu ái cho cánh phóng viên trong việc truyền tải thông tin.

"Ngoài ra, cần phải có đủ các thiết bị bảo hộ cho mình. Như ở đây, tôi có mũ bảo hiểm, mặt nạ phòng hơi cay, kính bảo hộ. Tôi cũng đã vài lần dính hơi cay của cảnh sát ở các cuộc biểu tình ở Missouri hay Rio de Janeiro ở Brazil... Sau đó, tôi đã rút ra bài học. Thực ra là những thứ đồ này lúc nào cũng ở trong balo, trên xe để phòng bất trắc chứ không phải cứ tới chỗ bạo loạn biểu tình mới mang theo. Vì bạn sẽ không biết trước là biểu tình hay baọ loạn sẽ xảy ra lúc nào".

Phóng viên Trường Sơn cũng nhắn nhủ, một nguyên tắc luôn được các phóng viên thường trú của Đài THVN áp dụng, đó là đồ nghề gọn nhẹ, cơ động nhất có thể.

"Máy quay không chân. Giày thể thao thay vì giày đen. Để làm gì? Để sẵn sàng chạy khi cần thiết. Khi nguy hiểm, chạy thật nhanh là chuyện chẳng có gì xấu cả!" - phóng viên Trường Sơn chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước