Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới

Quang Duy-Thứ năm, ngày 01/12/2022 19:02 GMT+7

Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh: AP

VTV.vn - Trận đấu giữa Đội tuyển Costa Rica và Đội tuyển Đức vào rạng sáng 2/12 là một trận cầu lịch sử, khi sẽ được điều khiển bởi một trọng tài nữ.

Cứ mỗi bốn năm một lần, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh - FIFA World Cup lại diễn ra và là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Trong một tháng diễn ra World Cup 2022, mọi sự chú ý đổ dồn về Qatar - nước chủ nhà của kỳ World Cup đặc biệt với chi phí đắt đỏ nhất trong lịch sử và những điều đầu tiên: World Cup đầu tiên tổ chức tại vùng Vịnh, World Cup đầu tiên không có rượu bia, và World Cup đầu tiên có trọng tài nữ điều khiển trận đấu.

Rạng sáng 2/12 theo giờ Việt Nam, trận đấu cuối cùng ở bảng E World Cup 2022 giữa hai đội tuyển Costa Rica và Đức sẽ đi vào lịch sử bóng đá khi trọng tài nữ người Pháp, Stephanie Frappart sẽ dẫn hai đội ra khỏi đường hầm sân vận động Al Bayt với tư cách là trọng tài chính. Đó sẽ là một khoảnh khắc lịch sử: lần đầu tiên một trọng tài nữ điều khiển một trận đấu tại FIFA World Cup.

Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh 1.

Trọng tài Stephanie Frappart cầm còi tại UEFA Champions League. Ảnh: Getty Images

Đây có thể coi là một bước tiến lớn và quan trọng của bóng đá và nữ quyền, nhưng bản thân vị trọng tài 38 tuổi chẳng còn lạ lẫm với những khoảnh khắc như vậy. Năm 2021, Frappart là nữ trọng tài chính đầu tiên của một trận đấu tại vòng loại World Cup trong trận Hà Lan gặp Latvia. Trước đó một năm là tại UEFA Champions League – sân chơi câu lạc bộ danh giá nhất châu Âu. Frappart cũng điều khiển trận Siêu cúp châu Âu năm 2019 giữa Chelsea và Liverpool, đồng thời được cầm còi tại giải VĐQG Pháp kể từ năm đó nhưng được cầm còi tại Qatar, tại vòng chung kết World Cup có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều.

"World Cup của bóng đá nam là giải đấu thể thao quan trọng nhất thế giới, không chỉ với bóng đá", nữ trọng tài người Pháp chia sẻ với The Athletic. "Nhưng tôi là nữ trọng tài đầu tiên tại Pháp, đầu tiên tại châu Âu, rất nhiều những lần đầu tiên. Tôi biết cách để đối diện với điều đó".

Hành trình để đạt được sự ghi nhận chưa có tiền lệ này, không chỉ với riêng Stephanie Frappart mà cả với nữ giới trong bóng đá, kéo dài 25 năm. Cô lớn lên ở phía Tây Bắc của thủ đô Paris hoa lệ. Tình yêu bóng đá được thổi lên cho cô từ người cha - một cầu thủ nghiệp dư. Được xem ông chơi bóng mỗi tuần đã thúc đẩy cô tham gia một khóa học về luật bóng đá, và sau đó cô bắt đầu làm trọng tài cho các trận đấu của trẻ em từ tuổi 13.

"Tôi thường chơi bóng vào thứ Bảy, làm trọng tài vào Chủ Nhật. Đến khi lên đại học, tôi lại học tiếp về thể thao. Thể thao ở mọi lúc trong cuộc sống của tôi, đôi lúc là quá nhiều".

Khi học đại học, cô vẫn cân nhắc giữa việc theo đuổi sự nghiệp cầu thủ hay nghề trọng tài. Khi đó, cô đã bắt đầu bắt chính trong các trận đấu ở cấp độ U19 quốc gia.

"Thời điểm đó, bóng đá nữ chưa thực sự phát triển, nên tôi quyết định không chơi bóng nữa. Nhưng tôi không hề nghĩ đến việc sẽ là nữ trọng tài đầu tiên tại World Cup. Nó không hề nằm trong suy nghĩ của tôi".

Trong hai thập kỷ tiếp theo, Frappart tiến bước ở các cấp độ giải đấu chuyên nghiệp tại Pháp. Năm 2011, cô là nữ trọng tài chính đầu tiên ra sân ở giải hạng ba, sau đó đến giải hạng hai năm 2014, và cuối cùng là Ligue 1 năm 2019 trong trận đấu giữa Amiens và Strasbourg. Đó là bước đệm để cô được UEFA chú ý, tiếp đó là bắt chính những trận đấu ở Champions League hay vòng loại World Cup.

"Cô ấy là trọng tài hay nhất Ligue 2 ở thời điểm còn cầm còi tại đó", cựu cầu thủ Pierre Bouby nhận xét. "Một trọng tài không nói quá nhiều nhưng luôn giải thích đủ và đúng về những quyết định của mình trên sân".

Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh 2.

Frappart làm nhiệm vụ trọng tài thứ tư trong trận Mexico gặp Ba Lan ở vòng bảng World Cup 2022. Ảnh: Getty Images

Trước khi cầm còi tại World Cup 2022, Stephanie Frappart cũng đã bắt chính tại nhiều trận đấu quan trọng ở sân chơi bóng đá nữ, tiêu biểu là trận chung kết World Cup nữ 2019 khi tuyển Mỹ đánh bại Hà Lan 2-0 để lên ngôi vô địch. Với nhiều người, bước nhảy từ bóng đá nữ sang bóng đá nam sẽ khác biệt ít nhiều với các trọng tài. Nhưng Frappart không nghĩ như vậy.

"Không có sự khác biệt giữa bóng đá nam và nữ", cô nhận định. "Bóng đá nữ ngày càng nhanh hơn. Chỉ có sự khác biệt về chiến thuật, nhưng cũng như bóng đá nam, điều này là do văn hóa bóng đá khi có sự khác biệt giữa bóng đá châu Âu so với châu Phi hay Nam Mỹ. Sự khác biệt ở một sân chơi như World Cup là dựa trên chất lượng cầu thủ, khi các đội tuyển quốc gia được tập hợp bởi những cầu thủ giỏi nhất của nền bóng đá".

Khi được hỏi về sự chú ý khi là một nữ trọng tài, Frappart khá thận trọng. Cô không lạ với sự phân biệt giới tính trong suốt sự nghiệp của mình, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội.

"Điều quan trọng nhất là phải tập trung và tiếp tục công việc của mình. Khi chúng tôi được bổ nhiệm bắt chính những trận đấu lớn như vậy, đó là vì chúng tôi có đủ kinh nghiệm và khả năng. Chúng tôi được ở đây vì chúng tôi là những người xứng đáng".

Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh 3.

Trọng tài Mukansanga điều khiển trận đấu ở AFCON 2021 - Ảnh: Getty Images

Bên cạnh Stephanie Frappart, kỳ World Cup này còn hai nữ trọng tài nữa cũng sẽ được trao cơ hội bắt chính. Đó là trọng tài người Rwanda, Salima Mukansanga và trọng tài người Nhật Bản, Yoshimi Yamashita. Mukansanga là trọng tài đầu tiên bắt chính tại cả World Cup nữ và AFCON (giải vô địch các quốc gia châu Phi), còn với Yamashita là tại J-League và AFC Champions League - những sân chơi lớn của bóng đá châu Á.

"Tôi từng nghĩ mình chẳng bao giờ được bắt một trận bóng đá nam, chứ đừng nói đến World Cup", trọng tài Yamashita cho biết.

Kỳ World Cup lịch sử: Nữ trọng tài bắt chính và thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh 4.

Nữ trọng tài Yamashita cũng sẽ được bắt chính tại World Cup 2022 - Ảnh: Getty Images

Cũng như Frappart, Yamashita không thấy sự khác biệt giữa bóng đá nam và nữ. Còn World Cup chính là cơ hội để những nữ trọng tài như cô gửi thông điệp đến những bé gái ở thế hệ sau - những người có thể tiếp bước và nâng tầm quan trọng của phụ nữ trong thế giới bóng đá.

"Tôi muốn gửi lời đến những bé gái muốn theo đuổi nghiệp trọng tài rằng nữ giới có triển vọng rất cao. World Cup 2022 chỉ là bước khởi đầu của chúng tôi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước