Các đại biểu tại hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh liên minh tôn giáo vì hòa bình Thế giới đã bế mạc hôm qua tại Thủ đô Seoul Hàn Quốc sau 3 ngày nhóm họp. Hội nghị đã kết thúc với việc ký kết một Bản hiệp định thống nhất giữa các tôn giáo nhằm thúc đẩy hòa bình, đặc biệt bài trừ các cuộc chiến tranh mang danh tôn giáo. Đây là lần đầu tiên một hiệp định như vậy được ký kết giữa các tôn giáo.
Bản hiệp định được ký kết bởi 12 lãnh đạo tôn giáo đại diện cho Công giáo, Phật Giáo, Hồi giáo dòng Shiite, Hồi giáo dòng Sunni, đạo Do Thái, Ấn Độ giáo, cùng một số tôn giáo khác như đạo Jai-na Ấn Độ, đạo Candomblé châu Phi, Anh Giáo, đạo Thờ lửa Iran, đạo Sikh Ấn Độ và đạo Baha’is.
Lễ ký kết còn được chứng kiến bởi khoảng 600 lãnh đạo các tôn giáo khác. Cùng việc ký kết hiệp định này, các tôn giáo cũng được yêu cầu hương tới tiến tới thiết lập bộ phận thường trực cho sự hợp tác liên tôn giáo. Hiện đã có 2 văn phòng được thành lập tại Philippines và Bosnia.
Đức tổng giám mục Malkhaz Songulashvili, Giáo hội Tbilisi, Gruzia cho biết: “Tôn giáo, đã khá nhiều lần trong lịch sử, bị lợi dụng để gây chĩa rẽ con người. Vì vậy, rất cần thiết để mang các tôn giáo lại với nhau, hợp tác cùng nhau,cũng như chấm dứt những cám dỗ về hệ giá trị của riêng mình, để thực sự hành động vì mục đích của người dân chứ không phải để phục cho một số mưu toan chính trị nào đó”.
Sau lễ ký kết, hơn 200.000 người đã đổ về quảng trường Hòa bình thế giới tại Thủ đô Seoul để tham gia cuộc diễn hành vì hòa bình. Nơi đây, cách đây 26 năm, tại Olympic Seoul năm 1988, một bản tuyên bố hòa bình đã được phát đi, kêu gọi gắn kết Đông Tây giữa chiến tranh lạnh. 26 năm sau, Seoul một lần nữa khẳng định khát vọng hòa bình không ngủ yên.
Những người khởi xướng bản hiệp định hy vọng nó sẽ ngày càng thu hút được nhiều hơn nữa sự cam kết của các tôn giáo khác, biến nó trở thành cơ sở vững chắc nhằm ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan và các cuộc xung đột trên thế giới.
Hiệp định được xem như lời cam kết đầu tiên giữa các tôn giáo, và nó cũng đặt ra những thực tế chưa từng có tiền lệ. Hiện chưa thể xem hiệp định này là luật quốc tế, bởi nó không phải là sự cam kết của các quốc gia. Sức mạnh của hiệp định vì thế được cho là sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự bảo trợ của LHQ
Ông Rainer Barth, Thành viên tổ chức NGO đại diện cho LHQ tại Hội nghị nói: “LHQ giống như một mái nhà để bảo trợ cho sự phát triển của hiệp ước vậy. Nếu như hiệp định được thông qua tại LHQ, nó sẽ có thể vươn tới được tầm mức quốc tế và lan tỏa ra toàn cầu. Một điều thuận cho bản hiệp định này là mục tiêu của nó, hòa bình, cũng là giá trị chung mà ai cũng đang đặt trong tim mình”.
Thống nhất những quan điểm khác biệt luôn không hề dễ dàng. Hội nghị liên minh tôn giáo lần đầu tiên được tổ chức tại Seoul Hàn Quốc đã không tránh khỏi những thách thức. Một số đại diện tôn giáo đã âm thầm từ chối ký vào bản hiệp định. Nhưng ít nhất, việc các tôn giáo nhận thức họ phải gần nhau vì một mục đích chung cũng đã khiến người ta cảm thấy hy vọng.