Cục diện kinh tế thế giới sau ngày nước Mỹ chọn Tổng thống thứ 47

PV-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế này, đồng thời có tác động lan tỏa trên toàn cầu.

Trong lịch sử nước Mỹ, các cuộc bầu cử Tổng thống thường mang đến những điều bất ngờ. Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1844, nhiều cử tri Mỹ thậm chí không biết James K. Polk là ai, nhưng kết quả chung cuộc là ông đã trở thành Tổng thống thứ 11 của cường quốc này. Tại cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ năm nay, yếu tố bất ngờ dường như đã có phần phai nhạt. Tỷ lệ cược vào khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà trắng tăng mạnh ngay trước ngày bầu cử và các nền tảng dự báo đã đúng.

Câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là cục diện kinh thế thế giới sẽ xoay vần như thế nào, khi những quyết định táo bạo của người đứng đầu Nhà trắng có thể sẽ không còn khiến giới phân tích bất ngờ đến kinh ngạc như hồi những năm 2017-2021, nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump. Vì mạnh mẽ và khó lường dường như đã làm nên "thương hiệu Donald Trump". Và thế giới đã quen với "thương hiệu" này.

Cục diện kinh tế thế giới sau ngày nước Mỹ chọn Tổng thống thứ 47 - Ảnh 1.

Ông Trump đã công bố kế hoạch áp đặt mức thuế có thể lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu nước ngoài

Những quyết định của người nắm quyền lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng trên diện rộng đối với thị trường tài chính, hoạt động thương mại toàn cầu, cũng như chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã công bố kế hoạch áp đặt mức thuế có thể lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu nước ngoài. Đây được đánh giá là một cuộc tấn công vào chính sách đối ngoại lâu đời của nước Mỹ. Đặc biệt, thuế quan đánh vào hàng hoá từ Trung Quốc có thể vọt lên 60-200%. Những động thái này có thể dẫn đến sự trả đũa, gây chiến tranh thương mại và làm xáo trộn nền kinh tế thế giới.

Đặc biệt, những thay đổi đột ngột như vậy trong chính sách thương mại của Mỹ có thể đóng vai trò là chất xúc tác khiến các nền kinh tế tiếp tục phân chia thành các khối địa chính trị, dẫn đến nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh hơn. Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Singapore hay Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ dễ bị tổn thương hơn trước kịch bản kinh tế thế giới phân mảnh ngày càng sâu sắc. Ở Khu vực đồng euro, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu và tài nguyên như Hungary, Hà Lan và Bỉ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi thuế quan và các rào cản thương mại, trong khi Pháp và Italy có khả năng chống chịu tốt hơn nhờ thị trường nội địa tương đối lớn.

Và chắc chắn các thị trường cũng sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó trong nhiệm kỳ Tổng thống lần hai của mình, ông Donald Trump đưa Washington ra khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bãi bỏ các biện pháp bảo vệ môi trường (được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden) và cho phép khai thác không hạn chế các mỏ dầu khí của Mỹ. Các kế hoạch này sẽ bổ sung thêm hàng tấn carbon vào khí quyển nếu được thực hiện và có khả năng làm suy yếu những nỗ lực của toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nếu đã không còn bất ngờ với những quyết sách mạnh mẽ và quyết liệt của vị doanh nhân đầy quyền lực này khi điều hành "doanh nghiệp Mỹ", các nền kinh tế khác cần chuẩn bị những gì?

Chúng ta đều hiểu rằng các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế này, đồng thời có tác động lan tỏa trên toàn cầu.

Khi những bất ổn về kinh tế và địa chính trị ngày càng gia tăng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần dự đoán và ứng phó một cách chủ động hơn. Có lẽ, các nhà hoạch định chính sách cần "xếp hạng" các mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước các cú sốc vĩ mô, giúp doanh nghiệp "cân đo" rủi ro thị trường, xây dựng các chiến lược mạnh mẽ hơn và ứng phó linh hoạt hơn với các cú sốc tiêu cực.

Năm 2024 được Liên hợp quốc gọi là "năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử loài người" với một nửa dân số thế giới – khoảng 3,7 tỷ người ở 72 quốc gia đi bỏ phiếu. Và không phải ngẫu nhiên mà cuộc bầu cử ngày 5/11/2024 ở "xứ cờ hoa" lại được cả thế giới ngóng đợi. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là cường quốc quân sự lớn nhất hành tinh, nước Mỹ cũng là trụ cột của nhiều liên minh chiến lược quốc tế, của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu.

Nhưng nước Mỹ ngày nay cũng đang bị chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề cơ bản, từ thuế khoá, nhập cư, thương mại, chính sách năng lượng và môi trường đến vai trò của nước này trên bản đồ chính trị thế giới. Và các cử tri Mỹ đã đặt niềm tin vào ông Donald Trump, người được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề này và "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Và chúng ta cũng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng một nền kinh tế Mỹ hùng cường sẽ là động lực mạnh mẽ để kích hoạt bánh xe tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Chiến thắng của ông Trump đã kích hoạt một đợt bán tháo lớn khiến giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch sớm do đồng USD tăng giá. Đồng bạc xanh đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Đồng USD mạnh lên khiến các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác và có xu hướng gây áp lực lên giá.

Giá vàng tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 7/11, khi đồng USD giữ đà tăng mạnh mẽ và các nhà đầu tư đang chờ đợi động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh cường quốc lớn nhất thế giới sắp có một chính phủ mới do Tổng thống đắc cử Donald Trump điều hành.

Chỉ số đồng USD (DXY) dao động quanh mức cao nhất trong bốn tháng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người mua nước ngoài, do thường được quy đổi giá trị dựa trên đồng USD.

Ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 6/11, dẫn đến những lo ngại về việc ông Trump sẽ can thiệp vào các quyết sách của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), gây ảnh hưởng đến tiến trình hạ lãi suất của Fed.

Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đã có một phiên giao dịch sôi động trong chiều ngày 7/11. Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, tạo ra làn sóng tăng giá cổ phiếu trên cả ba chỉ số chứng khoán chính Phố Wall trong ngày 6/11 (theo giờ địa phương).

Bầu cử Mỹ: Công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng Bầu cử Mỹ: Công bố kết quả kiểm phiếu cuối cùng

VTV.vn - Ngày 6/11, hãng tin Fox News dẫn nguồn tin từ Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho biết tất cả 50 bang của Mỹ đã hoàn thành công tác kiểm phiếu và công bố kết quả chung cuộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước