Như vậy, với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thóai. Sự kiện này đang tạo nên sự quan tâm đặc biệt tại Nhật Bản.
Những số liệu thống kê cho thấy thị trường tiêu dùng nội địa Nhật Bản vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm kéo dài sau quyết định tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm nay. Trong khi tiêu dùng cá nhân tăng nhẹ 0,4% thì các họat động đầu tư mua sắm tài sản lâu bền và đầu tư cho sản xuất đều giảm mạnh. Trong đó đầu tư vào nhà đất giảm tới 6,7%.
Ông Takeuchi Atsuki, Nhà nghiên cứu trưởng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản cho biết: “Quy mô tiêu dùng nội địa giảm mạnh như vậy là một điều đáng kinh ngạc. Người dân Nhật Bản đã cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng lâu bền mạnh hơn nhiều so với các dự báo trước đó của chúng tôi. Không chỉ có vậy, tâm lý của người tiêu dùng gần đây cũng đã trở nên bi quan”.
Điểm sáng duy nhất trong nền kinh tế của Nhật Bản trong quý 3 là việc thị trường xuất khẩu của các công ty nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ vào đồng yên yếu. Đồng yên có lúc giảm tới 1 USD đổi 101 yên. Xuất khẩu tăng 1.3% so với cùng kỳ năm ngóai, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 0.8%.
Ông Takeuchi Atsuki, Nhà nghiên cứu trưởng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản nói: “Một vài dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể quay lại tăng trưởng nhẹ trở lại trong 3 tháng cuối năm. Lợi nhuận của các công ty xuất khẩu vẫn tăng, và nhu cầu tuyển dụng lao động tại các trung tâm kinh tế lớn như Tokyo vẫn cao”.
Nền kinh tế suy yếu đang gây áp lực lớn lên chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong việc có nên giữ nguyên quyết định tăng thuế tiêu thụ đợt 2 lên 10% từ tháng 10/2015 như kế họach đã định hay không.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.