Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump chứng kiến rất nhiều biến động.
Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thường xuyên thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ông Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại, đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Mỹ với cáo buộc gián điệp và thường xuyên đẩy quả bom trách nhiệm mang tên COVID-19 về phía Trung Quốc.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 4/12/2013 (Ảnh: AP)
Sau khi được nhiều hãng truyền thông uy tín xướng tên là người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, giới quan sát rất quan tâm đến viễn cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vận động như thế nào nếu ông Joe Biden đắc cử tổng thống.
Vấn đề với Trung Quốc được dự báo là thách thức khó khăn hàng đầu mà ông Biden cùng nội các của mình phải tìm cách giải quyết trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường đang tồn tại nhiều căng thẳng cả về kinh tế và chính trị.
Chiến tranh thương mại
Ngay từ khi phát động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã luôn coi chương trình nghị sự với Trung Quốc là trọng tâm cần phải điều chỉnh trong kế hoạch tranh cử với khẩu hiệu America First (tạm dịch: Nước Mỹ trên hết).
Qua hàng chục năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, ngày càng vươn tầm ảnh hưởng sâu rộng đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.
Trung Quốc cũng được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 đầy biến động với đại dịch COVID-19. Sự thay đổi cấu trúc quyền lực ngày càng trở nên rõ ràng hơn, vị thế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên một cách tương đối, đe dọa vị trí số 1 về kinh tế của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản, 6/2019 (Ảnh: AP)
Đứng trước thách thức này, với khẩu hiệu bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến thương mại, áp thuế lên 2/3 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump cũng cho rằng vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ của Mỹ đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc vượt qua. Chính quyền Mỹ ngăn chặn công việc làm ăn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, TikTok của ByteDance trên lãnh thổ nước này. Mỹ gây sức ép lớn để hàng loạt đồng minh siết chặt gọng kìm, ngăn Huawei triển khai những dự án 5G ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Andrew, bang Maryland, Mỹ năm 2015 (Ảnh: AP)
Liệu khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, sự căng thẳng trong quan hệ giữa 2 cường quốc này sẽ lắng dịu? Giới quan sát quốc tế đa phần đều không ủng hộ kịch bản này.
Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc; Đài Phát thanh quốc gia Mỹ NPR hay tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đều có chung nhận định rằng chính quyền của ông Biden sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể về lập trường trong vấn đề thương mại đối với Trung Quốc.
"Vấn đề không phải là trừng phạt Trung Quốc. Vấn đề là phải đảm bảo họ hiểu được rằng họ phải chơi đúng luật" là phát biểu mới đây của ông Biden trong cuộc họp với các quan chức cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại hạt Wilmington, bang Delaware.
Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tung đòn áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau (Ảnh: BBC)
Ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng cho dù chính quyền Mỹ thay đổi thì các quan điểm xử lý vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không thay đổi. Giới chức phải chịu nhiều áp lực và sẽ duy trì thái độ cứng rắn.
Trong khi đó, diễn biến của dịch COVID-19 được cho sẽ đóng vai trò quyết định khi nào tin tức về chiến tranh thương mại tiếp tục trở lại trên các mặt báo.
"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy các diễn biến mang tính ngừng bắn của cuộc chiến tranh thương mại cho đến khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Bây giờ vẫn là quá sớm để biết liệu thuế quan sẽ được gỡ bỏ hay các lệnh trừng phạt Huawei và những thực thể khác sẽ được hủy bỏ hay không", phát biểu của ông Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ.
Dịch COVID-19
Trong những căng thẳng từ cuộc chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19 tiếp tục đẩy căng thẳng Mỹ - Trung lên cao hơn nữa.
Sau khi các ca COVID-19 được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, dịch bệnh dần lan rộng ra toàn cầu với gần 60 triệu ca mắc trong đó hơn 1,4 triệu người đã không qua khỏi. Mỹ vẫn là tâm dịch lớn nhất thế giới với hơn 12 triệu ca mắc, gần 260 nghìn người đã tử vong.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, gọi virus Sars-CoV-2 là "virus Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần phản bác các cáo buộc này, gọi đây là hành vi "bêu xấu Trung Quốc". Phía Trung Quốc chỉ trích ngược lại giới chức Mỹ đã không thể kiểm soát tốt dịch bệnh.
Ông Biden và ông Trump tranh cãi gay gắt về chủ đề COVID-19 trong các phiên tranh luận trực tiếp trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ 2020 (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, ông Biden cho rằng ông Trump đã coi thường mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và xem thường sự hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang. Cựu phó Tổng thống đồng thời dành những lời khen cho cách kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kiểm soát dịch COVID-19 cũng là ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ông đã đặt ra "Kế hoạch Biden" để chống lại dịch bệnh, trong đó hướng đến mục tiêu chung là kiểm soát dịch bệnh đồng thời kêu gọi sự đoàn kết quốc tế khi đương đầu với vấn đề này. Đưa nước Mỹ trở lại Tổ chức y tế thế giới được xem là một phần của kế hoạch này.
Điều này sẽ gián tiếp làm dịu đi sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến dịch bệnh. Quan trọng hơn, như Tiến sĩ Jennifer Bouey của Tổ chức phi lợi nhuận RAND ghi nhận, sự hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc sẽ là bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Ông Biden có thể sẽ nhanh chóng đưa Mỹ gia nhập lại Tổ chức Y tế Thế giới (Ảnh: Reuters)
Vấn đề biến đổi khí hậu
Khi còn là phó tướng dưới thời Tổng thống Barrack Obama, ông Joe Biden là một thành viên trong nội các đã phối hợp hiệu quả với Trung Quốc để có những bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông là người đặc biệt quan tâm đến các vấn đề môi trường. Ông góp phần tạo nên Đạo luật Phục hồi, gói kích thích có giá trị gần 800 tỉ USD để đương đầu với hệ quả của cuộc đại suy thoái năm 2008 trên các phương diện hạ tầng, giáo dục, sức khỏe và đặc biệt là năng lượng tái tạo của nước Mỹ.
Ứng cử viên Joe Biden và cựu tổng thống Barack Obama tại sự kiện tranh cử ở bang Michigan, 31/10 (Ảnh: AP)
Trong số đó, 90 tỉ USD đã được chi cho các ngành năng lượng sạch, mức đầu tư kỷ lục trong lịch sử năng lượng Mỹ. Thời kỳ này cũng chứng kiến nước Mỹ đạt được những bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có mức giảm kỷ lục về khí carbon thải ra môi trường hay thắt chặt những quy định nghiêm ngặt về khí thải đối với các phương tiện giao thông.
Trên phương diện quốc tế, ông Biden cùng ông Obama đã đưa nước Mỹ tham gia Thỏa thuận chung Paris tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2015 (COP 21) trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Đây là một thỏa thuận không mang tính ràng buộc, yêu cầu các quốc gia và vùng lãnh thổ giới hạn mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 196 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết giảm lượng khí thải, trong đó chính quyền của cựu Tổng thống Obama đặt mục tiêu giảm lượng khí thải từ 26%-28% vào năm 2025.
Tuy nhiên, ngay từ giữa năm 2017, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Ông Joe Biden đi ngang qua những tấm thu năng lượng mặt trời tại Plymouth, bang New Hampshire, Mỹ (Ảnh: Reuters)
Đầu tháng 11 vừa qua, khoảng 1 năm sau khi chính quyền Mỹ nộp những tài liệu cần thiết cho Liên hợp quốc, quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu COP 21 chính thức có hiệu lực. Việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu COP 21 là một phần quan trọng trong chính sách của ông Trump.
Kế hoạch này đã được hoạch định từ trong quá trình vận động tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016 khi ông có tầm nhìn đưa ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ trở về thời kỳ hoàng kim, đặc biệt là các ngành dầu khí và khai thác than.
Theo hãng truyền thông BBC, ông Trump nhận định Thỏa thuận chung Paris là mối ràng buộc bất công đối với nước Mỹ khi những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc không có dấu hiệu giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông thường xuyên chỉ trích thỏa thuận này. Còn ông Joe Biden thì đã cam kết sẽ tái gia nhập thỏa thuận này ngay sau khi nhậm chức.
Quan điểm của ông Biden về vấn đề khí hậu được cho là có sự tương đồng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập vừa qua đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS và tuyên bố Trung Quốc sẽ loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon vào năm 2060. Quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới dự kiến sẽ công bố lộ trình chi tiết cho kế hoạch này trong tương lai gần.
Theo Giáo sư Jia Qingguo của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc kinh, nếu ông Joe Biden lên nắm quyền tổng thống Mỹ, biến đổi khí hậu sẽ là một lĩnh vực quan trọng nữa mà Mỹ và Trung Quốc có thể nối lại hợp tác vì lợi ích chung trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi dưới thời ông Trump.
8 năm trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, Mỹ và Trung Quốc vẫn thường xuyên có những quan điểm trái chiều nhưng lại tìm được tiếng nói chung trong vấn đề môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!