Khủng hoảng nước, nhiều thành phố tại Iran sụt lún nghiêm trọng

Đàm Linh (Theo DW, LA Times)-Chủ nhật, ngày 23/06/2024 06:34 GMT+7

Mặt đất nứt nẻ, sông ngòi khô cạn do hạn hán ở Iran (Ảnh: DPA)

VTV.vn - Hạn hán hoành hành khiến mặt đất sụt lún đang đe dọa Tehran và hàng trăm thị trấn khác ở Iran.

Mưa ít thì hạn hán, mưa nhiều lại lũ lụt

Chính quyền Iran cho biết hơn 800 thị trấn và làng mạc, trong đó có thủ đô Tehran và thành phố lớn Isfahan, có nguy cơ bị sụt lún đất nghiêm trọng. Mặt đất bên dưới Tehran chìm xuống tới 22 cm (khoảng 9 inch) mỗi năm, cao gấp 7 lần so với dự đoán thông thường. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu nước trầm trọng ở nước này.

Roozbeh Eskandari, một chuyên gia về công trình thủy lực và xây dựng đập ở Canada, cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến ít nhất một nửa xã hội Iran". Eskandari từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của tình trạng khan hiếm nước ở Iran: "Sụt lún đất do tiêu thụ nước không bền vững gây nguy hiểm cho toàn bộ cơ sở hạ tầng của đất nước này, bao gồm đường ống, đường dây điện và đường sắt...".

Khủng hoảng nước, nhiều thành phố tại Iran sụt lún nghiêm trọng - Ảnh 1.

Vết nứt ở một di tích lịch sử tại thành phố Isfahan là kết quả của hiện tượng sụt lún mặt đất. (Ảnh: Anadolu)

Trên thực tế, Iran đã chứng kiến ​​lượng mưa nhiều bất thường trong những tháng gần đây so với những năm trước. Nhưng, những gì tưởng như "phước lành" hóa ra lại là một "lời nguyền". Lượng mưa lớn gây ra lũ lụt ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở các tỉnh nghèo Sistan và Baluchistan, giáp biên giới Afghanistan và Pakistan.

Biến đổi khí hậu đã dẫn đến thời tiết khắc nghiệt ở Iran, gây ra hạn hán kéo dài nhưng cũng đem đến những trận mưa ngoài mong đợi. Ông Eskandari cho biết: "Đất quá khô, không thể hấp thụ nước kịp thời, dẫn đến lũ lụt".

Khủng hoảng về nước tại Iran đang làm trầm trọng thêm các xung đột khu vực, thậm chí làm suy yếu hòa bình và sự gắn kết xã hội.

Nguồn lực hạn chế và quản lý yếu kém

Trong nhiều năm, các chuyên gia như nhà xã hội học nổi tiếng người Iran Saeed Madani đã cảnh báo về hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với nền kinh tế và xã hội Iran. Ông Madani cho rằng nhiều rạn nứt sâu sắc trong xã hội Iran xuất phát từ việc thiếu nước: "Iran thiếu các nguồn lực cần thiết cho dân số ngày càng tăng, hơn gấp đôi từ 37 triệu lên 83 triệu người trong 40 năm qua. Chúng ta đang chứng kiến ​​sự cạn kiệt và thiệt hại không thể khắc phục đối với các hồ chứa nước ngầm ở nhiều nơi trên đất nước do việc tiêu thụ nước không bền vững trong nông nghiệp, vốn không ngừng gia tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực".

Khủng hoảng nước, nhiều thành phố tại Iran sụt lún nghiêm trọng - Ảnh 2.

Hạn hán kéo dài, mặt đất quá khô, không thể hấp thụ nước nhanh chóng, dẫn đến lũ lụt. (Ảnh: FARS)

Ông Sohrabi cho biết, việc quản lý yếu kém và tiêu thụ nước quá mức của cả ngành công nghiệp và hộ gia đình là những yếu tố khác làm trầm trọng thêm vấn đề. Một số hồ chứa có thể đã bị phá hủy vĩnh viễn, đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún đất ở nhiều tỉnh trong cả nước.

Tị nạn khí hậu

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Môi trường Iran công bố vào tháng 5, số người tị nạn khí hậu ở Iran đã tăng 800.000 người chỉ trong hai năm qua. Đây là những người buộc phải di chuyển đến các tỉnh, thành phố phía Bắc xung quanh Tehran do biến đổi khí hậu và đặc biệt là do tình trạng thiếu nước ở miền Trung và miền Nam Iran.

3/4 tổng diện tích đất đai của Iran hiện đã hoàn toàn khô cằn. Hai tỉnh có thảm thực vật phong phú của Iran trên Biển Caspian là điểm đến ưa thích của những người tị nạn khí hậu giàu có. Nhưng giá bất động sản ở đó đã tăng hơn 10 lần trong 30 năm qua, hơn 1/5 diện tích rừng và đất nông nghiệp dọc bờ biển đã bị chặt phá để xây nhà mới. Tổng cộng, chỉ có 7% tổng diện tích đất đai của Iran được bao phủ bởi rừng.

Khủng hoảng nước, nhiều thành phố tại Iran sụt lún nghiêm trọng - Ảnh 3.

Gia tăng tình trạng di cư do biến đổi khí hậu ở Iran. (Ảnh: Financialtribune)

"Iran không có nguồn tài nguyên nào có thể đảo ngược điều kiện sống cho 80 triệu dân. Chính quyền Iran phải hành động ngay bây giờ và hợp tác mang tính xây dựng với các quốc gia có kiến ​​thức và kinh nghiệm hơn trong việc quản lý nguồn tài nguyên nước khan hiếm. Nếu không, nhiều vùng của đất nước sẽ trở thành hoang mạc".

Theo các chuyên gia, Iran là một ví dụ tiêu biểu về biến đổi khí hậu với những hậu quả về thiên tai và các sự kiện khí hậu cực đoan đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của con người trong thế kỷ 21.

Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán 2024 nhấn mạnh quản lý đất bền vững Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán 2024 nhấn mạnh quản lý đất bền vững

VTV.vn - Ngày 17/6 hàng năm là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Iran, hạn hán

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước