Bão Beryl gây thiệt hại tại Cumanacoa, bang Sucre, Venezuela, ngày 9/7 (Ảnh: AFP)
Bão Beryl được ghi nhận mạnh lên mức tối đa cấp 5 sau khi tàn phá Jamaica và các đảo phía Đông Caribe.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, thảm họa này (bão Beryl) sẽ có tác động lớn đến tình hình kinh tế của Grenada" - Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell nói trong cuộc họp báo hôm 9/7 - "Chúng tôi đang nói đến tổn thất hàng trăm triệu USD và việc tái thiết, xây dựng lại với chi phí hàng trăm triệu USD khác".
Ông Dickon Mitchell nói thêm rằng các đảo Carriacou và Petite Martinique của quốc đảo Caribe này phải đối mặt với "sự tàn phá gần như hoàn toàn", đồng thời cho biết những người mất nhà cửa đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết.
Thủ tướng Grenada nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lại các công trình chống bão, lưu ý rằng nhiều ngôi nhà gỗ ở nước này không được bảo hiểm vì thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn do nhiệt độ nước biển tăng kỷ lục - mà các nhà khoa học cho rằng là vì biến đổi khí hậu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Một ngôi nhà bị phá hủy ở bãi biển Surfside, bang Texas, ngày 8/7 sau khi bão Beryl đổ bộ (Ảnh: AFP)
Một nhóm các công ty bảo hiểm đã đến Grenada hôm 10/7 và Chính phủ nước này có kế hoạch công bố các biện pháp tài chính vào đầu tuần tới.
St. Lucia (quốc đảo phía Đông vùng biển Caribe) đưa ra ước tính ban đầu về thiệt hại do bão Beryl lên tới gần 2 triệu USD - bao gồm các tòa nhà bị phá hủy, hoạt động thu hoạch rêu biển và đồn điền trồng chuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mưa lớn và lượng mảnh vụn nhiều đã cản trở việc đánh giá thiệt hại ở Jamaica. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước này đã báo cáo thiệt hại ban đầu là trên 6 triệu USD.
Theo đó, các nền kinh tế Caribe - đang phải gánh nợ nần - có thể trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu nông sản trong bối cảnh lạm phát không kiểm soát được.
Mặc dù thải ra ít khí thải, các quốc gia Caribe nằm trong số những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu khiến đại dương nóng lên và làm tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão nghiêm trọng. Khu vực này từ lâu đã kêu gọi các quốc gia giàu có gây ô nhiễm hàng đầu hành động nhiều hơn, chẳng hạn như tôn trọng các cam kết về khí hậu và xem xét giảm nợ. Tuy nhiên, các khoản tài trợ và cho vay liên quan đến khí hậu đã chuyển hàng tỷ USD trở lại các nước giàu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!