Không có lần gia hạn thứ tư, Nga chấm dứt hiệu lực thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 19/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Lý do là những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga không được khắc phục, mặc dù Nga đã tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.

Chuyến tàu chở lương thực cuối cùng từ Ukraine được Liên Hợp Quốc kiểm tra đủ điều kiện để rời đi thông qua Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen. Từ ngày 18/7, Nga đã quyết định chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận này. Moscow nhấn mạnh, lý do là những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục, mặc dù họ đã tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận. Phía Nga cho biết, khi phần thỏa thuận liên quan đến Nga được thực hiện, phía Nga sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận này. Nga cũng sẽ tiếp tục việc cung cấp ngũ cốc cho các nước nghèo.

Quay trở lại năm ngoái, cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2 đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng lương thực, cùng với lạm phát tăng vọt. Đây chính là lý do hối thúc Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò trung gian, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng là ký kết thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã ba lần được gia hạn

Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được ký bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov ký vào tháng 7 năm 2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ - tạo ra một hành lang an toàn để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ ba cảng của nước này - Odesa, Yuzhny và Chornomorsk. Cùng với đó là một thỏa thuận riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga. Nhưng từ lâu Nga đã phàn nàn rằng các phần của thỏa thuận liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu này của Nga đã không được thực hiện.

Không có lần gia hạn thứ tư, Nga chấm dứt hiệu lực thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - Ảnh 1.

Theo trung tâm điều phối chung ở Istanbul, sáng kiến này đã cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 32,9 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp, bao gồm 16,9 triệu tấn ngô và 8,9 triệu tấn lúa mì. Hơn một nửa số lương thực xuất khẩu thông qua sáng kiến này được chuyển tới các nước đang phát triển, 725 nghìn tấn được chuyển tới hỗ trợ những người có nhu cầu ở các quốc gia bị chiến tranh và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như Ethiopia, Somalia và Yemen thông qua chương trình lương thực thế giới (WFP).

Trong 1 năm thực thi, thỏa thuận này đã giúp hạ nhiệt giá nhiều loại lương thực và giảm áp lực khủng hoảng lương thực. Trong năm nay, giá lúa mì - nguyên liệu chính làm bánh mì - đã giảm khoảng 17%, giá ngô giảm khoảng 26%.

Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn, bao gồm vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày), vào tháng 3/2023 (thêm 60 ngày) và lần gia hạn gần nhất ngày 18/5, hết hiệu lực vào ngày 17/7.

Không có lần gia hạn thứ tư

Sự sụp đổ của thỏa thuận này theo giới phân tích là một trở ngại không thể tránh khỏi, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào thị trường. Giá lúa mì, đậu tương đều đồng loạt tăng, ngay sau khi Nga ngừng thỏa thuận "hành lang ngũ cốc Biển Đen".

Theo CNBC, giá lúa mì giao kỳ hạn đã tăng 3% trong ngày 17/7, lên mức 689,25 cent mỗi bushel (giạ), mức cao nhất kể từ ngày 28/6. Tương tự, giá ngô giao kỳ hạn cũng tăng vọt lên mức 526,5 cent/giạ, còn giá đậu tương giao kỳ hạn tăng lên mức 1.388,75 cent/giạ.

Không có lần gia hạn thứ tư, Nga chấm dứt hiệu lực thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ý kiến chuyên gia không cho rằng, việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc này sẽ không kích hoạt một đợt lạm phát lương thực toàn cầu và có khả năng gây bất ổn mới trong tương lai gần. Nhưng sau động thái của Nga, Ukraine sẽ buộc phải xuất khẩu hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của mình qua biên giới đất liền và các cảng sông Danube. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nông dân Ukraine. Hiệu ứng dây chuyền của việc này có thể khiến nông dân Ukraine trồng ít hơn trong mùa tới, gây thêm áp lực lên nguồn cung trong tương lai.

Nếu không có Nga, hành lang ngũ cốc Biển đen có thể vận hành?

Các cảng của Ukraine đã bị phong tỏa cho đến khi đạt được thỏa thuận này vào tháng 7 năm ngoái. Theo Reuters, không rõ liệu có thể tiếp tục vận chuyển ngũ cốc khi Nga rút khỏi thỏa thuận hay không. Phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh được tính khi các tàu đi vào khu vực Biển Đen dự kiến sẽ tăng lên. Các chủ tàu có thể miễn cưỡng cho phép tàu của họ đi vào vùng chiến sự, mà không có sự đồng ý của Nga. Trong khi hợp đồng bảo hiểm rủi ro chiến tranh cho tàu hàng cần được gia hạn 7 ngày/lần, tiêu tốn hàng nghìn USD.

Trong bài viết có tiêu đề "Thỏa thuận ngũ cốc đã tiêu tan, điều gì tiếp theo?", trang Politico đã vạch ra một vài phương án thay thế và phân tích về tính khả thi của chúng.

Không có lần gia hạn thứ tư, Nga chấm dứt hiệu lực thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen - Ảnh 3.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep và người đồng cấp Ukraine tại Istanbul hồi đầu tháng 7 đã làm dấy lên suy đoán rằng, nếu Nga từ chối cho phép các tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua Biển Đen an toàn, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể hộ tống các tàu chở ngũ cốc. Tuy nhiên, trong một tuyên bố với Politico, đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ điều này.

Ukraine có một kế hoạch khác để bảo vệ các tàu di chuyển qua Biển Đen

Ukraine đang thành lập một quỹ bảo lãnh trị giá 500 triệu USD để trang trải mọi thiệt hại hoặc chi phí phát sinh, hoạt động "giống như một khoản bảo hiểm nhà nước".

Kế hoạch B của Ukraine bao gồm việc tìm kiếm các tuyến đường thay thế Biển Đen hoặc là xuất khẩu với khối lượng nhiều lên qua sông Danuyp. Tuy nhiên, có làm được hay không sẽ phải phụ thuộc vào việc Romania có cho phép Ukraine hoạt động trong lãnh hải của họ hay không.

Về phía Nga, nước này cho rằng việc ngừng thỏa thuận này không gây ra nhiều thay đổi, xuất khẩu ngũ cốc từ Nga đã được tổ chức theo một cách mới, bao gồm dọc theo hành lang Bắc - Nam qua Biển Caspi và Iran. Tuy nhiên xét trên diện rộng, những nước khó có sự lựa chọn là những quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ Ukraine hay Nga.

Xung đột, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác đang ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng chi trả cho lương thực của người dân, cùng với đó 258 triệu người ở 58 quốc gia trên toàn thế giới đang phải đối mặt với nạn đói. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm qua bày tỏ quan ngại về nguy cơ hàng triệu người sẽ thiếu lương thực trong thời gian tới. Ông cho biết, LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực để hàng nông sản và phân bón của Ukraine và Nga có thể tiếp cận các thị trường "mà không bị cản trở".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước