Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/04/2024 06:30 GMT+7

VTV.vn - Khủng hoảng lương thực trên toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do tác động cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân.

Thực trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo Báo cáo Toàn cầu về Khủng hoảng Lương thực năm 2024 vừa công bố: hơn 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào năm 2023.

Khủng hoảng lương thực đã và đang trở thành một thách thức to lớn trong bối cảnh các cuộc xung đột trên toàn cầu ngày càng phức tạp, leo thang, trong khi thế giới đang liên tiếp chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan theo hướng nghiêm trọng hơn, với tần suất nhiều hơn.

Mỗi ngày, hàng nghìn đứa trẻ tại Dải Gaza xếp hàng nhận thực ăn từ các đơn vị viện trợ lương thực. Các em là những nạn nhân của nạn đói, khủng hoảng lương thực đang hoành hành tại Dải Gaza do hệ lụy từ cuộc xung đột Israel - Hamas.

Anh Bassam Al Haw, một cư dân Gaza, cho biết: "Trẻ em chết vì thiếu lương thực, thiếu nước, thiếu điện. Chúng không có nơi trú ẩn an toàn. Và hơn tất cả, chúng không có tiền để mua thức ăn, nước uống".

Câu chuyện từ nạn đói nghiêm trọng tại Dải Gaza chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong thực trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực vừa công bố, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.

Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng - Ảnh 1.

Tình trạng khủng hoảng lương thực trên toàn cầu ngày càng trầm trọng. (Ảnh: Africanews)

Ông Rein Paulsen - Giám đốc Văn phòng Khẩn cấp và Phục hồi, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) - nhận định: "Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng là xung đột và bạo lực. Đây là nguyên nhân chính ở 20 trong số 59 quốc gia được nghiên cứu trong báo cáo, khiến số lượng người lớn nhất rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Nguyên nhân thứ hai là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Chúng ta vừa trải qua một năm nóng kỷ lục, do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino. Những cú sốc kinh tế là nguyên nhân quan trọng thứ ba. Ba yếu tố này đã có các tác động bổ sung và cùng nhau làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng".

Năm quốc gia có số lượng người dân phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Sudan, Afghanistan và Ethiopia, trong khi Palestine, Nam Sudan, Yemen, Cộng hòa Ả Rập Syria và Haiti có tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Ông Rein Paulsen cho biết thêm: "Điểm khác biệt chúng tôi thấy ở Sudan là tác động của khủng hoảng khí hậu. Ví dụ, một số cộng đồng mà tôi đến thăm, cơ sở hạ tầng nông nghiệp cơ bản đã bị cuốn trôi trong lần trước do có những trận mưa lớn. Chẳng hạn các đập đất cần phải giữ nước tại chỗ để cho phép tưới bằng tay cho các cánh đồng, đã bị phá vỡ vì mưa đến nhanh hơn và với lượng lớn hơn họ dự đoán. Và một lần nữa, chúng ta thấy tác động chồng chéo giữa các cuộc xung đột, giữa khủng hoảng khí hậu và thực tế là cả những cú sốc kinh tế".

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo của FAO là tỷ lệ dân số phải đối mặt với khủng hoảng nạn đói vào năm 2023 tiếp tục duy trì ở mức cao trong những năm qua.

Sudan - quốc gia đang chìm trong khủng hoảng lương thực

Trong một trại tị nạn, bà Mahasen Ali, người Sudan, đang cố gắng chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình. Là nạn nhân từ nội chiến, xung đột, phải di tản để đảm bảo an toàn, cả gia đình bà đang phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Bà Mahasen Ali cho biết: "Khi chúng tôi mới đến nơi trú ẩn tạm thời, một số tổ chức từ thiện đã đề nghị giúp đỡ và cung cấp thức ăn cho chúng tôi. Nhưng sau đó, sự hỗ trợ đã dừng lại. Bây giờ tôi đi bộ quanh các khu chợ gần đó hàng ngày, cố gắng kiếm một ít thức ăn miễn phí. Cuộc sống thực sự rất khó khăn quá, nhiều thành viên trong gia đình tôi đã đổ bệnh".

Sudan đã chìm trong nội chiến trong năm qua. Những khu vực nơi xung đột trở nên căng thẳng hơn, bao gồm vùng Greater Darfur, vùng Greater Kordofan và bang Khartoum, là những khu vực có dân số bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Adam Yao (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc FAO) cho biết: "Sau một năm khủng hoảng, xung đột, tình hình nhân đạo ở Sudan rất khó khăn. Khoảng 25 triệu người đang cần tất cả các hình thức hỗ trợ nhân đạo, bao gồm cả an ninh lương thực và dinh dưỡng. Trên 18 triệu người đang không được đảm bảo an ninh lương thực".

Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng - Ảnh 2.

Sudan là đại diện cho một trong những cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất trên thế giới. (Ảnh: WBEZ)

Tình hình sản xuất ngũ cốc ở Sudan đã bị ảnh hưởng nặng nề, có khả năng khiến nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo. Sản lượng lúa miến, kê và lúa mì vào năm 2023 của Sudan ước đạt khoảng 4,1 triệu tấn, giảm 46% so với sản lượng đạt được năm trước và thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình của 5 năm trước đó.

Ông Rein Paulsen cho biết: "Sudan là đại diện cho một trong những cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất trên thế giới".

Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại Sudan cũng đẩy giá lương thực tại một số khu vực tăng cao gấp 2-3 lần so với mức trước xung đột, trong khi, một phần lớn người dân không tiếp cận được với viện trợ lương thực vì lý do an ninh. Chương trình Lương thực thế giới tháng trước đã cảnh báo, cuộc nội chiến tại Sudan có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất thế giới.

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận để đảm bảo an ninh lương thực

Trước các thách thức to lớn của khủng hoảng lương thực đến người dân toàn cầu, các quan chức, chuyên gia kêu gọi cần thay đổi cách tiếp cận, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, cho các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Nếu không hành động, tình hình sẽ xấu đi. Xung đột đang tăng lên. Cuộc khủng hoảng khí hậu có nguy cơ leo thang. Và tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng đang gia tăng hàng năm. Để tránh gia tăng các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, chúng ta phải can thiệp. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để phá vỡ mối liên hệ chết người giữa xung đột, khí hậu và mất an ninh lương thực".

Khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng - Ảnh 3.

Thế giới cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận để tình trạng khủng hoảng lương thực không xấu đi. (Ảnh: Sumaritan)

Ông Rein Paulsen nhấn mạnh: "Hơn 80% người dân cần hỗ trợ nhân đạo sống trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Nhưng chỉ có 4% nguồn tài trợ dành cho các hoạt động an ninh lương thực. Điều đó cho chúng ta biết rằng chúng ta cần có một số thay đổi quan trọng trong vấn đề này".

Ông Qu Dongyu - Tổng Giám đốc, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) - cho rằng: "Thông qua việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp của châu Phi, chúng ta có thể khai thác những lợi ích về an ninh lương thực và dinh dưỡng, nền kinh tế, sự bình đẳng, môi trường và khả năng phục hồi. Nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp này là trọng tâm trong các cuộc thảo luận và nằm trong Khung chiến lược giai đoạn 2022 - 2031 của FAO, hướng tới các hệ thống thực phẩm nông nghiệp hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn".

Thế giới đứng trước thách thức lớn về an ninh lương thực Thế giới đứng trước thách thức lớn về an ninh lương thực

VTV.vn - Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) mới đây cho hay giá đường trên thị trường toàn cầu trong tháng 9/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước